ABB Việt Nam kiến tạo tương lai các ngành công nghệ
Được biết, Công ty TNHH ABB Việt Nam có mặt tại Việt Nam từ năm 1993 và hoạt động trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành điện, điện tử, tự động hoá… Ông có thể giới thiệu chi tiết hơn về đơn vị, nhất là những hoạt động nổi bật tại Việt Nam?
Tiếp nối lịch sử hơn 130 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn ABB – Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết bị và hệ thống điện; thiết bị điện trung – hạ thế; tự động hóa công nghiệp, rô bốt và truyền động; công nghệ điện, nước, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng – Công ty TNHH ABB Việt Nam (ABB Việt Nam) có mặt tại Việt Nam từ năm 1993 và không ngừng lớn mạnh.
Hiện nay, chúng tôi đã có các cơ sở trong cả nước, như: trụ sở và nhà máy biến thế tại Hà Nội, chi nhánh tại Khu Công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh với hai nhà máy hiện đại sản xuất thiết bị điện cao thế và trung thế, chi nhánh tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh… thu hút hàng nghìn nhân công người Việt Nam và các chuyên gia quốc tế. Các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam của ABB, ngoài tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu đến các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và vươn sang khu vực Trung Đông và Nam Phi.
ABB Việt Nam đã và đang là đối tác xuất sắc và đáng tin cậy trong lĩnh vực công nghệ |
Trong suốt chặng đường gần 26 năm, ABB Việt Nam đã và đang là đối tác xuất sắc và đáng tin cậy trong lĩnh vực công nghệ, cung cấp những giải pháp và dịch vụ chìa khóa trao tay trên thị trường. ABB Việt Nam đã tham gia thành công vào một số dự án trọng điểm tại Việt Nam, như: Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Đường hầm Hải Vân, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Xi măng Sông Gianh, các nhà máy khác trong ngành thép, giấy, hóa chất, thực phẩm và đồ uống…
Gần đây, ABB Việt Nam đã hoàn thành cài đặt và đưa vào hoạt động hàng ngàn rô bốt giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm cho khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực tự động hóa, điện tử, chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và đồ uống, hóa chất, kim loại và sản xuất gạch. ABB cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động hai Trung tâm kỹ thuật và dịch vụ rô bốt tại Bắc Ninh và TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện dự án dễ dàng hơn và giải quyết nhu cầu của thị trường về công nghệ sản xuất tiên tiến.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam? ABB đã hỗ trợ những gì cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ABB?
ABB Việt Nam xác định mục tiêu ưu tiên là đồng hành với Việt Nam để kiến tạo tương lai các ngành công nghệ. Trong quá trình đó, chúng tôi nhìn nhận, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đang phát triển hơn bao giờ hết khi hội tụ cùng lúc nhiều điều kiện như: sự xuất hiện các nhà sản xuất quy mô lớn trên thế giới Việt Nam, thậm chí một số cơ sở sản xuất này là trọng tâm trong cả hệ thống cung ứng sản xuất trên toàn thế giới; và các nhà sản xuất, lắp ráp Việt Nam cũng đã phát triển đến qui mô lớn và tuân thủ các qui định, tiêu chuẩn sản xuất của thế giới. Đây chính là những yếu tố đã thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển cả về lượng và chất trong thời gian gần đây.
Ông Huỳnh Phong Phú - Giám đốc Ban Rô bốt và Tự động hóa nhà máy ABB Việt Nam |
Với chiến lược “Tầm cao mới” của Tập đoàn ABB, đồng thời bảo đảm việc tối ưu hóa mô hình hoạt động của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa và giải pháp rô bốt, ABB Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam nâng cao hiệu quả, năng suất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nếu như trước đây khách hàng của ABB chủ yếu là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì đến nay, số lượng khách hàng là công ty Việt Nam gia tăng đáng kể khi thấy được yêu cầu cần thiết của việc đảm bảo chất lượng đồng đều, năng suất cao và ổn định cùng với giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác, chúng tôi cũng tập trung vào việc cải tiến trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái hợp tác kỹ thuật số và mở rộng khả năng sản xuất, nghiên cứu, giúp khách hàng đạt được mục tiêu sản xuất hiện tại và tương lai.
Còn định hướng chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực tại Việt Nam, thưa ông?
ABB coi trọng việc thúc đẩy giáo dục nói chung và đào tạo các thế hệ kỹ sư nói riêng. Để đạt được mục tiêu này, ABB Việt Nam đã trao tặng nhiều công nghệ mới nhất cho các trường đại học kỹ thuật hàng đầu trong nước, mang đến những trải nghiệm về quy trình làm việc thực tế vào môi trường học.
Bên cạnh đó, ABB Việt Nam cũng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ giúp nuôi dưỡng tài năng sinh viên thông qua chương trình học bổng Jürgen Dormann (ABB Jürgen Dormann Foundation), ABB đã trao học bổng hỗ trợ sinh viên theo học ngành kỹ thuật học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn cho đến khi tốt nghiệp và trao tặng máy tính giúp các em theo đuổi niềm đam mê về công nghệ.
Trong khi đó, chương trình Kỹ sư tài năng ABB (ABB Graduate Engineer Program), ABB lựa chọn các thế hệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tạo điều kiện các em cơ hội được làm việc tại các phòng ban khác nhau của ABB tại Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực.
Các chương trình thực tập sinh của ABB được thực hiện liên tục trong mỗi năm mang tới cho nhiều thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp kinh nghiệm làm việc tại một tập đoàn toàn cầu, nơi những tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và liêm chính luôn được yêu cầu ở mức cao nhất.
ABB Việt Nam vừa hoàn thành đưa vào hoạt động hàng ngàn rô bốt giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm |
Ông có thể cho biết ý tưởng và kế hoạch tham gia Triển lãm Quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam - Vietnam Manufacturing (VME) 2019 vào tháng 8 sắp tới của ABB Việt Nam?
Tại triển lãm VME 2019, ABB mang đến một mô hình sản xuất tự động hóa hoàn toàn, các rô bốt được điều khiển đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ với tính năng kết nối từ xa ABB AbilityTM. Khách hàng sẽ trải nghiệm được phần nào về khái niệm nhà máy tương lai, nhà máy thông minh, mà ở đó việc sản xuất đảm bảo cả về chất lượng, năng suất, giá thành, ổn định và an toàn.
Ngoài ra, ABB cũng mang đến rất nhiều rô bốt trong đó mô phỏng một quy trình sản xuất gia công kim loại từ gắp gá phôi, hàn, nâng mang sản phẩm và mài hoàn thiện. Một ứng dụng khác trong sản xuất sản phẩm tiêu dùng, rô bốt ABB gắp các sản phẩm chạy ra từ băng tải và sắp xếp lại cho khâu đóng gói.
ABB Việt Nam cũng sẽ trình diễn tại VME 2019 công nghệ tính năng kết nối từ xa (ABB AbilityTM) - giải pháp thu thập dữ liệu hỗ trợ cho việc đưa quyết định ở mọi nơi, mọi lúc trong thời gian thực để giúp khách hàng đảm bảo thời gian hoạt động và tối ưu hóa hiệu suất của các hệ thống rô bốt, làm giảm ¼ tỉ lệ sự cố đồng thời đạt được thời gian phản hồi và khắc phục vấn đề nhanh hơn 60%.
Trân trọng cảm ơn ông!