Chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản đang hoạt động
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”.
Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.
Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện “3 tại chỗ”.
Chia sẻ nguyên nhân không thể tiếp tục “3 tại chỗ”, bà Nguyễn Thị Ánh- Giám đốc Công ty TNHH Sông Tiền (Tiền Giang) - cho biết, do địa phương thực hiện giãn cách quá lâu, công nhân, người lao động làm việc “3 tại chỗ” đã bắt đầu mệt mỏi và mong được về nhà. Thêm vào đó, việc thực hiện “3 tại chỗ” đã phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm nên công ty không thể tiếp tục được.
“Hiện chúng tôi chỉ duy trì được 10 công nhân trong nhà máy để giải quyết những đơn hàng đang dang dở. Số công nhân còn lại tạm thời cho nghỉ việc và được trả lương cơ bản”- bà Ánh cho biết thêm.
Liên quan đến khả năng phục hồi sau giãn cách xã hội của doanh nghiệp, VASEP cho biết chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay, số còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Nguyên nhân do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid…
“Chỉ tính riêng đến nguồn thức ăn chăn nuôi cho thủy sản hiện cũng đang rơi vào thiếu hụt bởi đơn vị sản xuất cũng phải thực hiện “3 tại chỗ” nên công suất giảm. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu nuôi cá tra cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm”- một doanh nghiệp chế biến thủy sản cho hay.
Cần những hỗ trợ thiết thực
Trước các khó khăn bủa vây, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị cần sớm được tiêm vắc xin bởi hiện tỷ lệ doanh nghiệp được tiêm mũi 1 tính tới cuối tháng 8/2021 tại miền Nam mới đạt trung bình 30-40%, chưa có doanh nghiệp nào được triển khai tiêm mũi 2.
“Chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động như ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên cho lực lượng tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ”. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các địa phương không áp dụng cứng nhắc quy định sản xuất “3 tại chỗ” bằng việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến” sau khi đã tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 và nơi ở công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy”- đại diện VASEP cho biết.
Cùng với đó, vào tháng đầu tháng 8/2021 VASEP đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ giảm giá tiền điện dài hạn cho doanh nghiệp thủy sản. Lý do, điện rất quan trọng đối với bất cứ nhà máy nào, từ khâu chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Những kiến nghị của VASEP gần đây đã được Chính phủ đồng ý. Điển hình là việc giảm giá tiền điện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đề xuất của Bộ Công Thương. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, rau quả sẽ được giảm giá tiền điện 10% trên hóa đơn (trước thuế VAT), kéo dài trong 3 tháng tính từ kỳ hóa đơn tháng 9/2021.
“Chúng tôi đánh giá cao việc giảm giá tiền điện kéo dài trong 3 tháng cho doanh nghiệp thủy sản. Với mức giảm 10%, mỗi tháng chúng tôi sẽ tiết giảm được hơn 100 triệu đồng, bù vào các chi phí đang phát sinh do thực hiện kéo dài giãn cách xã hội”- bà Nguyễn Thị Ánh chia sẻ.