3 kịch bản CPI theo giá xăng tăng
Theo Bộ Tài chính, cơ quan chức năng đã tính tới 3 kịch bản với giá xăng dầu. Một là giả thiết giá xăng, dầu bình quân thế giới tăng 5%, CPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018.
Giá xăng dầu thế giới đang diễn biến thất thường |
Kịch bản thứ hai là giá xăng dầu thế giới tăng 10%, khi ấy, CPI năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,7%.
Với kịch bản cuối cùng, giá xăng, dầu thế giới tăng 15% có thể sẽ khiến CPI tăng ở mức 3,8-3,9%.
3 kịch bản trên đã được cơ quan chức năng báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá. Gắn với từng thời kỳ sẽ có kịch bản chi tiết, biện pháp cụ thể, làm sao giữ được ổn định CPI.
Trước đó, kể từ 17 giờ ngày 2/4 giá các mặt hàng xăng dầu đã đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 1.370 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít. Cùng với đó, dầu diesel 0,05S tăng 1.219 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít và dầu mazút 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Bộ chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như người dân tiêu dùng, việc phải tăng giá xăng lần này là điều không mong muốn nhưng bắt buộc phải thực hiện”. Ở kỳ điều hành trước đó, quỹ bình ổn đã chi ra một khoản lớn để giữ giá xăng dầu không tăng, khi giá điện có quyết định được điều chỉnh ngay sau đó 2 ngày (20/3).
Mặc dù giá xăng dầu tăng nhưng Bộ Công Thương vẫn nghiêm túc thực hiện vai trò quản lý nhà nước về mặt hàng xăng dầu. Trước đó, khi sự cố với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy chiếm gần 40% nguồn xăng dầu cả nước xảy ra, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị nhập khẩu 200.000m3 xăng dầu với thuế suất 20% thay vì 10% nếu nhập theo đường Hàn Quốc để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Đây là nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng cũng như điều hành giá. Bộ Công Thương cũng khẳng định luôn nỗ lực để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất và đời sống người dân.