Xem bói tràn lan mạng xã hội: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
"Mảnh đất màu mỡ" trục lợi
Như Báo Công Thương đã phản ánh, cùng với sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Zalo... trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho nhiều đối tượng "buôn thần, bán thánh" trục lợi. Lợi dụng “lòng tin” của nhiều người, nhiều kẻ hành nghề mê tín dị đoan đã và đang lộng hành, kiếm sống bằng cách lừa người khác. Hiện tượng này có ở nhiều nơi, vẫn đang tiếp diễn và trở thành mối nguy hại đối với xã hội.
Một sự việc điển hình mới đây, dư luận sửng sốt khi "cô đồng" T.H. - nổi tiếng trên mạng xã hộibằng cách xem bói qua hình thức bổ cau. Cô này vừa ngồi bổ cau, vừa nói về "lá số tử vi" của người khác với câu kết "đúng nhận, sai cãi".
Thay vì đến nhà các "cô đồng, bà cốt" xem bói, nhiều người, nhất là lớp trẻ, lại xem bói online để tìm hiểu tiền vận, hậu vận thế nào. |
"Cô đồng T.H" trú ở tỉnh Hải Dương, lợi dụng TikTok và Facebook để xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, gia thế. Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng Clip đầu tiên, tài khoản TikTok của cô đồng T.H đã có hơn 150.000 lượt theo dõi. Điều này cho thấy, sức hút của mạng xã hội là rất lớn, và người dân rất dễ hùa theo "tâm lý đám đông".
Trước sự việc này, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cho biết, đã giao cơ quan chuyên môn và Công an thị xã vào cuộc xác minh trường hợp cô đồng T.H đăng Clip xem bói trên mạng xã hội.
Sau đó, cô đồng T.H. bị Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc" với lời khuyên "đúng nhận, sai cãi". Đồng thời yêu cầu cô này gỡ bỏ các video, thông tin cổ xúy các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhận định về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, lợi dụng những tiện ích của công nghệ, dịch vụ xem bói online ngày càng phát triển ở Việt Nam. Thay vì đến nhà các "cô đồng, bà cốt" xem bói, nhiều người, nhất là lớp trẻ, lại xem bói online mong muốn có thể biết trước được tiền vận, hậu vận của mình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng tâm linh của người dân để tổ chức hoạt động bói toán nhằm thu lợi bất chính là hành vi cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, việc xem bói online có người xem cho vui, nhưng cũng có người tin vào thế lực siêu nhiên, thần thánh mà thiếu niềm tin vào xã hội, thiếu niềm tin vào bản thân mình khiến cho đời sống xã hội không còn lành mạnh.
Cần nâng cao mức xử phạt
Trao đổi với Báo Công Thương về hành vi mê tín dị đoan, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành nghề mê tín, dị đoan được hiểu là: Hành vi dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác.
Mê tín, dị đoan được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh… không có cơ sở khoa học. Nhà nước ta cho phép và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự xã hội và nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa.
Đối với những người có hành vi hoạt động mê tín dị đoan thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021 quy định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức hoạt động mê tín dị đoan như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
Các clip bói toán, mê tín dị đoan đang gây “sốt” trên mạng xã hội thời gian qua |
Bên cạnh đó, trường hợp người dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng theo Khoản 3 Điều 320 Bộ luật Hình sự.
Hiện tại, pháp luật không quy định việc coi bói trực tiếp hay coi bói online mới vi phạm hành chính hay cấu thành tội phạm. Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định bao gồm cả “hình thức mê tín, dị đoan khác”, vì vậy có thể hiểu dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều vi phạm pháp luật, dù họ có nhận tiền hay không nhận tiền của những người xem. Những người xem bói online đều có khả năng bị xử lý như những người thực hiện xem bói trực tiếp.
Chia sẻ thêm, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Luật sư Tinh thông luật) thông tin, khoản 2, điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên.
Liên quan đến việc lan truyền các clip trục vong, xem bói trên mạng xã hội trong thời gian qua, luật sư Bình cho biết, Việt Nam cũng đã có các quy định với các hành vi này. Cụ thể, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để hoạt động tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng hành nghề bói toán còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người dân cần thay đổi từ nhận thức! Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, trên thực tế, nhận thức chưa đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào “thế lực siêu nhiên” là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mê tín dị đoan. Theo đó, trước những "cám dỗ" này, người dân cần nâng cao cảnh giác và thay đổi từ nhận thức. Cụ thể: Thứ nhất, để tránh rơi vào cạm bẫy và những lời dụ dỗ, chiêu trò của những kẻ lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng để mê hoặc lòng người, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những tri thức, kỹ năng, vốn sống, vốn hiểu biết cần thiết để nhận diện, phân biệt được bản chất thật của những câu chuyện, vụ việc liên quan. Mỗi người dân cũng cần tự nâng cao nhận thức, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo. Quan trọng hơn là cần nhận thức rõ rằng mê tín dị đoan là hiện tượng tiêu cực, cần phải bài trừ khỏi đời sống xã hội. Thứ hai, cần sự phối hợp giữa ý thức trách nhiệm của mỗi người dân với vai trò của cơ quan chức năng cụ thể qua việc đẩy mạnh tuyên truyền hệ lụy nguy hiểm của mê tín dị đoan, giúp mọi người hiểu rõ để từ đó xa lánh. Cùng với việc vạch trần thủ đoạn lừa bịp của các đối tượng “buôn thần, bán thánh”, thầy tướng, thầy bói, cô đồng,… cần phải xử lý nghiêm hành vi mê tín dị đoan hay lợi dụng mê tín dị đoan gây tác động xấu đến xã hội. Thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kết hợp với các nhà mạng và nhà cung cấp của các nền tảng như: facebook, zalo, tiktok… chặn những tài khoản và lọc những video liên quan đến việc xem bói hay thực hiện những hoạt động mê tính dị đoan để từ đó quản lý và kiểm soát tốt hơn hoạt động này trên không gian mạng. |