Xây dựng trên đất rừng: Cần thực hiện nghiêm qui định của pháp luật
Hộp thư ngày 19/5 Báo Công Thương đăng ý kiến bạn đọc phản ánh trong thời gian qua, khu vực huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện tình trạng khai thác đất, san gạt hạ cốt nền đất rừng; sau đó xây dựng công trình nhà ở… nhưng các cơ quan chức năng chưa xử lý.
Ở Lạng Sơn, báo chí từng phản ánh, dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh trú tại thị trấn Thất Khê (Tràng Định) đã tự ý xây dựng công trình giống biệt thự trên đất rừng, nằm cạnh hồ thủy lợi Khuổi Hin, thôn Khuổi Sao, xã Chi Lăng, khiến dư luận bức xúc. Điều đáng nói, ông Mạnh là Đại biểu HĐND huyện Tràng Định.
Về vi phạm của ông Mạnh, theo ông Nguyễn Văn Hoàng – Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, công trình được xây dựng trên diện tích 1.000 m2 đất rừng. Việc ông Mạnh san gạt và xây dựng công trình này chưa xin phép xã. Nhà ông này xây dựng cũng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Hành vi vi phạm được thực hiện qua các năm: bắt đầu từ năm 2011, năm 2017 đến năm 2022.
Ở Hà Tĩnh gần đây, dư luận bức xúc vì Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam "cạo" đồi, xây dựng nhà tại khu quy hoạch rừng phòng hộ ở tiểu khu 299A, thuộc xã Nam Điền, huyện Thạch Hà. Vậy mà ông Dương Đức Thành - phó tổng giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam - cho biết đầu năm 2022, doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng 27ha rừng sản xuất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2011 và xây dựng vì do...không biết!
| ||
Ngày 18/5/2022, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 05/CT-TTgtăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường rừng, gây bức xúc xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định. Xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ở các vụ việc trên, có thể thấy sai phạm đã xảy ra và tồn tại suốt một thời gian dài nhưng không được chính quyền địa phương ngăn chặn một cách kịp thời. Thiết nghĩ, các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, sớm đưa ra kết luận và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.