VILEXIM: Nửa thế kỷ xây dựng và tiến bước
Thương hiệu Vilexim với những mặt hàng truyền thống từ lâu đã được bạn hàng trong và ngoài nước biết đến |
Từ sứ mệnh lịch sử…
16/9/2017 là ngày đặc biệt với cán bộ, công nhân viên (CBCNV), người lao động của Vilexim - ngày mà 50 năm về trước, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 152/CP thành lập Tổng công ty Xuất nhập khẩu biên giới (Frontarimex), tiền thân của Vilexim ngày nay.
Năm 1967, miền Bắc hòa bình và trên đường đi lên xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tuy nhiên, các cơ sở kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu do chiến tranh chống thực dân Pháp tàn phá chưa được khôi phục; mặt khác lại bị đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt. Cùng thời điểm, hai nước Lào và Campuchia cũng đang chiến tranh chống đế quốc Mỹ.
Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng do Đảng đề ra là đáp ứng kịp thời nhu cầu vật chất cho cách mạng Lào và Campuchia, tại thời điểm này, nhiệm vụ do Cục Liên lạc kinh tế với nước ngoài (Ban C) thuộc Phủ Thủ tướng đảm nhiệm, nhưng với yêu cầu cách mạng ngày càng lớn và cấp thiết, Chính phủ cần thành lập đơn vị chuyên trách. “Đó là bối cảnh ra đời Frontarimex tại Quyết định số 152 - CP, ngày 16/09/1967 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký” - Chủ tịch HĐQT Vilexim Nguyễn Trường Sơn nói và nhớ lại, nhiệm vụ chính của Tổng công ty khi đó là tiếp nhận, vận chuyển hàng mậu dịch, viện trợ của Việt Nam và 12 nước XHCN đến nước bạn Lào. Các loại hàng hóa gồm: Máy móc, thiết bị, bách hóa, bông, vải sợi, tân dược, thiết bị y tế, lương thực -thực phẩm, hải sản...
Khi đó, Tổng công ty đã tổ chức một mạng lưới trải đều trên toàn tuyến, từ biên giới Việt - Trung về đến Hà Nội rồi tỏa ra các tuyến đường vận chuyển hàng hóa cho nước bạn, góp phần lớn xây dựng quan hệ chính trị đặc biệt Việt - Lào, cùng nước bạn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Giai đoạn 1976 - 1987, cùng cả nước xây dựng và phát triển trên con đường XHCN, đơn vị được đổi tên thành Tổng công ty Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinimpex) với nhiệm vụ chuyên kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch với Lào theo hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ; tiếp nhận, giao nhận, vận chuyển hàng hóa viện trợ của các nước XHCN cho Lào theo kế hoạch còn lại của các năm trước.
Tiếp đến, giai đoạn 1987 - 2002, Vinimpex được tách ra thành 2 công ty: Phía Bắc là Công ty Xuất nhập khẩu với Lào; phía Nam, trên cơ sở bộ máy của chi nhánh cũ, thành lập Công ty Xuất nhập khẩu với Campuchia (VIKAMEX).
Tháng 8/2003, Công ty Xuất nhập khẩu với Lào được đổi tên thành Công ty Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư Vilexim. Trong giai đoạn này, nước ta đã gia nhập ASEAN, tham gia một số tổ chức thương mại quốc tế, chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Đơn vị cũng mở rộng thị trường ra các nước, như: Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN, Tây Âu…
Ôn lại quá trình phát triển gắn liền với những mốc son lịch sử của đất nước, ông Sơn xúc động nói: Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, mỗi CBCNV của đơn vị là một chiến sĩ thực thụ, không quản khó khăn, gian khổ, ngày, đêm thường trực tại các cửa khẩu biên giới để bảo đảm giao nhận hàng nhanh nhất, an toàn nhất. Những thế hệ đi trước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước giao phó.
… Đến bước chuyển thời hội nhập
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong tình hình mới với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp (DN), sau một thời gian chuẩn bị, ngày 7/1/2005, Công ty Cổ phần Vilexim chính thức đi vào hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (vốn điều lệ 18 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 51%), đưa công ty bước sang một giai đoạn phát triển mới, bắt nhịp với cơ chế quản lý và điều kiện sản xuất, kinh doanh thời hội nhập.
Xuất khẩu lao động - lĩnh vực thế mạnh của Vilexim |
Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, với truyền thống đoàn kết, thống nhất và tinh thần chủ động, sáng tạo, Vilexim đã liên tục phát triển với hệ thống hàng chục đơn vị, chi nhánh trực thuộc phân bố tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cũng ngày càng được mở rộng, đa dạng hơn, từ xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) đến sản xuất, làm đại lý ủy thác… Trong đó, XK chủ yếu là các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ…; NK trang thiết bị, máy móc, nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất trong nước, hàng tiêu dùng thiết yếu… với đối tác là các nước Arập, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Mỹ, Thái Lan, Philippines…
Đặc biệt, Vilexim đã sớm tham gia và gặt hái thành công trong lĩnh vực XK lao động với bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng người lao động và thị trường được mở rộng đến nhiều quốc gia, như: Malaysia, Đài Loan, Ma Cao, Trung Đông, Nhật Bản… “Vilexim đã đưa hàng nghìn người lao động đi làm việc tại nước ngoài với công việc và thu nhập ổn định ở mức cao, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là đưa người lao động tại 61 huyện nghèo của cả nước đi xuất khẩu lao động” - Chủ tịch HĐQT Vilexim khẳng định.
Nói về chiến lược phát triển của Vilexim trong thời gian tới, ông Sơn cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào đối tác cung ứng hàng XK, Vilexim định hướng đầu tư chuyên sâu bằng việc hình thành hệ thống xưởng thiết kế, sản xuất trực tiếp các mặt hàng XK với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kinh doanh có năng lực, trình độ.
Bên cạnh đó, Vilexim chủ trương đẩy mạnh kinh doanh, mở rộng đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển mạnh nguồn nhân lực, nguồn vốn; phấn đấu xây dựng và phát triển công ty trở thành một trong những DN hàng đầu của Việt Nam. “Với sự ủng hộ của các cổ đông, quyết tâm của HĐQT, Ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV, Vilexim sẽ phát huy tính sáng tạo, tự chủ... tạo ra những mảng kinh doanh bền vững, ổn định, mang lại lợi nhuận cao, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho xã hội và đất nước” - ông Nguyễn Trường Sơn tự tin nói.
Ghi nhận những thành tích đạt được của Vilexim trong suốt chặng đường 50 năm, Đảng, nhà nước đã tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, cờ thi đua… cho tập thể, cá nhân. Đặc biệt, năm 2011, đơn vị đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. |