Việt Nam - Lào: Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư
Tại chương trình với chủ đề "Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào" tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá mạnh mẽ.
Trước hết, Lào đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách thu hút đầu tư với mục tiêu trở thành "cục pin Đông Nam Á". Các lĩnh vực được Lào ưu tiên mời gọi đầu tư có thể kể đến như: Sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và kết nối các nước, trung tâm siêu thị hiện đại. Lào cũng đã phân khu cả nước thành 3 khu vực căn cứ theo mức độ hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút nhà đầu tư với nhiều chính sách hấp dẫn.
Tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới hiệu quả hơn trong thời gian tới |
Đặc biệt, Chính phủ Lào đang đẩy mạnh việc hoàn thiện các quy định và cơ chế phối hợp trong việc hoạt động kinh doanh tại nước này theo Chỉ thị số 02 năm 2018 của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ ba của Lào (sau Thái Lan và Trung Quốc). Kim ngạch thương mại giữa 2 nước luôn có mức tăng trưởng 2 con số. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa hai nước tăng trưởng khá, đạt hơn 948 triệu USD, tăng 54,14% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng xuất siêu của Lào với Việt Nam trở nên rõ nét hơn trong một vài năm gần đây
Đáng chú ý, hai nước đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Liên quan đến việc thực hiện các thỏa thuận hiệp định song phương, bà Sonechan Phoutthavong - Tham tán kinh tế - thương mại Lào tại Việt Nam - đánh giá, hai Chính phủ đã tạo điều kiện rất tốt cho các hoạt động đầu tư bằng các khung pháp lý cơ sở cho doanh nghiệp.
Trước đây, hàng hóa trao đổi giữa hai nước chủ yếu là mặt hàng khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như gỗ, khoáng sản. Hiện nay, cơ cấu hàng hóa đã bổ sung thêm các mặt hàng sản xuất như các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, sắt thép, các loại máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng, nông nghiệp.
Dự báo, quy mô thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt 2 tỷ USD trong thời gian tới.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết những thành tựu kinh tế về thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua đã rất tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số những tồn tại. Nhất là về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hai bên còn nhiều điểm chưa đạt, cơ sở thương mại biên giới còn nhiều hạn chế.
Để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư song phương hơn nữa, theo các chuyên gia, doanh nghiệp hai nước cần chủ động kết nối để đưa hợp tác thực chất, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tận dụng các cơ hội từ thị trường, xây dựng chiến lược tuyên truyền quảng bá, nâng dần tính cạnh tranh để nhanh chóng thâm nhập, khẳng định thương hiệu tại thị trường Lào.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, gia tăng xuất khẩu mặt hàng sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc để tận dụng được làn sóng đầu tư vào thị trường Lào. Ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu mạnh từ Lào về Việt Nam gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản… Đây chính là nguồn nguyên vật liệu chiến lược cho sản xuất công nghiệp - năng lượng của Việt Nam.
Cùng đó các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định của các hiệp định thương mại để tránh vướng mắc khi làm thủ tục thông quan. Đặc biệt cần tận dụng hết các ưu đãi nêu trong Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Lào. Bên cạnh đó cần tận dụng các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác, bạn hàng.