Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc
Nhà đầu tư Hàn Quốc giữ vị thế dẫn đầu
Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc. Nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, với những con số minh chứng ấn tượng. Cụ thể, Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn.
Nhà đầu tư Hàn Quốc hiện giữ vị thế hàng đầu trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam |
Tính lũy kế đến hết quý 1/2021, Hàn Quốc giữ vị trí số một trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số hơn 9.000 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt trên 71,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tần suất các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm thị trường Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và gần đây là lĩnh vực công nghệ cao và phát triển xanh. Các DN Hàn Quốc cũng muốn tham gia các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của TP. Hồ Chí Minh như quy hoạch phát triển đô thị thông minh.
Về thương mại, năm 2020, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66 tỷ USD. Riêng với TP. Hồ Chí Minh, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD năm 2020.
Theo ông Kim Heung Soo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM), Hàn Quốc nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung đánh giá cao cách Chính phủ Việt Nam quyết liệt ứng phó đại dịch Covid-19, nhờ đó các DN Hàn Quốc dù gặp khó khăn nhưng vẫn có thể yên tâm hoạt động kinh doanh trong năm 2020. Tuy đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí thứ nhất với tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam. Dù hiện tại dịch bệnh vẫn còn hoành hành, nhưng DN Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong hiện tại và thời gian tới.
Bổ trợ cho nhau cùng phát triển
Trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, dự kiến sẽ có nhiều DN từ các ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế Việt Nam cũng đang tạo chính sách, môi trường thuận lợi nhất cho các DN nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - thời gian qua, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn được ban hành đã góp phần hình thành khung khổ pháp lý mới cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Các thay đổi trong chính sách đều được xây dựng theo hướng thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh và phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế, nhằm thu hút có hiệu quả các dự án FDI có chất lượng, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của DN cũng như của nền kinh tế.
Bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, Việt Nam đang thực hiện các hoạt động xúc tiến nhằm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm đất đai, năng lượng, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, dự án có tác động lan tỏa tích cực tới các DN trong nước, kết nối các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký FTA và theo đó định hướng thu hút đầu tư theo hướng chọn bỏ, nghĩa là ngoài những lĩnh vực bị cấm ra thì nhà đầu tư Hàn Quốc được đầu tư như bình thường.