Vì sao ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh còn thấp?
Lợi ích từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Ông Lê Văn Dể - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại VHF - cho biết, trang trại rau thủy canh, trồng rau trong nhà kính, trồng rau bằng đèn LED của công ty đang ứng dụng công nghệ của Nhật Bản. Thêm vào đó, để hạn chế cáu cặn chất dinh dưỡng, muối khoáng bị tích tụ lâu ngày trong đường ống dẫn nước, làm giảm hiệu quả kinh tế thu hoạch rau, công ty đã ứng dụng công nghệ xử lý cáu cặn Ewater.
Theo ông Dể, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ tiết kiệm được nhiều chi phí, nâng cao năng suất mà còn đảm bảo chất lượng rau sạch đến tay người tiêu dùng.
“Trước đây, trang trại rau này mỗi ngày chỉ thu hoạch được 80 - 100kg rau. Tuy nhiên, từ khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trung bình mỗi ngày anh thu hoạch hơn 200kg. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm cũng ở mức 35.000 - 45.000 đồng/kg, cao hơn 2-3 lần so với phương pháp trồng truyền thống trước đây. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm tôi thu về hơn 1 tỷ đồng tiền lãi”, ông Dể cho biết.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm |
Tương tự, đại diện Công ty TNHH TM-DV Lê Hoàn Vũ (Hóc Môn) cho biết, công ty đã đầu tư nhà màng rộng 6.000m2, xây dựng theo công nghệ Isarel giúp kiểm soát dịch bệnh và môi trường; đồng thời thực hiện tưới cây bằng vòi tưới nhỏ giọt. Dù chi phí đầu tư nhà màng không rẻ nhưng năng suất cao, trung bình doanh thu đạt gần 700 triệu đồng/ 1.000m2/năm.
Theo ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, mặc dù có nhiều tiềm năng, song việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh mới chỉ chiếm khoảng 20%.
Nguyên nhân được ông Nghĩa chỉ ra là do, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Hiện có tới 56% hộ sản xuất rau của thành phố có diện tích dưới 1.000m2, trong khi đó, vốn đầu tư cho các mô hình công nghệ cao lại lớn. Đơn cử như với trồng rau thủy canh, theo tính toán, để xây dựng được một mô hình rau thủy canh, người dân phải đầu tư từ 500-600 triệu đồng, sau 5 năm mới có thể thu hồi vốn. Điều này khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi
Đại diện Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thời gian qua, thành phố đã thúc đẩy các chính sách gia tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp qua việc khuyến khích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Chính sách này đang được triển khai tích cực từ quy hoạch vùng sản xuất, đối tượng tham gia, đến các chính sách thúc đẩy như hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, hỗ trợ tiêu thụ, điều tiết các mối quan hệ giữa doanh nghiệp, nông dân, viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, lập các khu công nghệ cao, miễn giảm thuế nông nghiệp.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống thông tin về vùng trồng, năng suất, thông tin thị trường cho các sản phẩm chủ lực. Nâng cao tỷ lệ ứng dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất giúp đảm bảo ổn định năng suất, chất lượng cây trồng. Cùng với đó, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao trình độ nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nhiều ý kiến cho rằng về mặt tiêu thụ, cần tập trung phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tham gia kết nối với các tỉnh, thành; tổ chức bầu chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hướng đến xây dựng thương hiệu.
Ông Từ Minh Thiện - Phó Trưởng Ban quản lý khu Nông Nghiệp Công Nghệ Cao TPHCM (AHTP) - cho rằng, để người dân nhận thấy được những lợi ích trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết, cần mở rộng hơn nữa về chính sách bảo hiểm nông nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất. |