Tỷ lệ người uống rượu bia tăng nhanh ở cả nam và nữ
Gần 50% nam giới Việt Nam uống rượu bia ở mức nguy hại
Tỉ lệ người sử dụng rượu bia tăng cao so với 5 năm trước |
Kết quả khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, nNếu như năm 2010, tỷ lệ người uống rượu bia của Việt Nam là 69,6% đối với nam giới và 5,6% đối với nữ giới; thì con số này năm 2015 đã tăng lên 80,3% đối với nam giới và 11,2% đối với nữ giới. Trong đó, nam giới ở lứa tuổi 30-49 là những đối tượng uống rượu bia nhiều nhất. Rượu công nghiệp được sử dụng không nhiều, chủ yếu là rượu tự nấu (69%) và bia (30%).
Đáng nói là, gần một nửa nam giới trưởng thành của Việt Nam đã uống rượu bia ở mức nguy hại – tương đương với trên 560 ml bia hoặc 2 chén rượu mạnh 30ml/ngày, và uống trên 5 ngày/tuần; gần một nửa trong số người này đã từng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trong vòng 2 giờ sau khi lái xe.
Bác sĩ, Thạc sĩ Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ, chi tiêu cho rượu bia chiếm 2,21-2,62% tổng chi tiêu hộ gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, trái với kết quả nghiên cứu ở các nước phát triển, tại Việt Nam, hộ càng giàu thì chi tiêu cho rượu bia càng nhiều, trung bình khoảng 2.315.000/năm, trong khi hộ nghèo chi tiêu cho rượu bia khoảng 452.000 đồng. Ở bất kỳ thành phố nào của Việt Nam, cũng dễ dàng để tìm mua các loại đồ uống có cồn: từ bia lon, bia hơi, bia chai, rượu vang đến rượu trắng, rượu mạnh…
Hậu quả kép
Đo nồng độ cồn người tham gia giao thông nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra |
Trên thực tế, càng ngày chúng ta càng được nghe nhiều thông tin về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, đâm chém nhau… mà nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng bia rượu quá chén. Rượu bia đang từng ngày góp phần làm tăng các nguy cơ mắc bệnh mạn tính (ung thư, tim mạch), gây tổn thương cấp tính hoặc lâu dài về thể chất (tổn thương gan, xơ gan, bệnh tim mạch…) hay tâm thần (trầm cảm, loạn thần…). Đặc biệt, tai nạn do người sử dụng rượu bia gây ra luôn nằm trong số những tai nạn thảm khốc nhất.
Không chỉ người trực tiếp sử dụng rượu bia phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng từ bia rượu, mà những người xung quanh cũng chịu tác động không nhỏ. Bà Vũ Thị Minh Hạnh, đến từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thông tin: Kết quả nghiên cứu so sánh ở 8 quốc gia: Srilanca, Ấn Độ, Nigieria, Thái Lan, Việt Nam, Chi lê, Úc và NiuZilan cho thấy, tỷ lệ người lớn ở Việt Nam chịu hậu quả từ việc sử dụng rượu bia của người khác luôn ở mức cao.
Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu hậu quả từ việc sử dụng rượu bia của người khác là cao nhất trong số 8 nước. Từ thành thị đến nông thôn, cả vùng sâu, vùng xa…, ở đâu cũng có những em bé bị đánh đập bởi cha, chú, anh sử dụng rượu bia; nhiều em thường xuyên phải chứng kiến cảnh bạo lực nghiêm trọng trong gia đình do cha quá chén. Vì chi tiền mua rượu bia, nhiều gia đình không còn tiền chi cho các nhu cầu thiết yếu, trẻ em bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc của người lớn…
90% rượu được sử dụng trong đồng bào dân tộc là rượu tự nấu |
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng bia rượu như hiện nay, Thạc sĩ Trần Thị Trang (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế) cho rằng, các chính sách pháp luật hiện hành mới tập trung quy định về sản xuất, kinh doanh rượu bia mà chưa đề cập nhiều đến phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Khoảng trống pháp luật này đã tạo nên những hành vi quảng cáo không phù hợp, chưa có những điều chỉnh hợp lý trong sản xuất - kinh doanh bia. Đến nay, Việt Nam vẫn là 1 trong số 12 nước trên thế giới còn để người dân nấu rượu tự do, bán công khai, phổ biến ngoài thị trường…
Từ những bất cập này, việc xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã được Quốc hội khóa XIV đưa vào chương trình xây dựng luật. Theo đó, Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được Quốc hội thảo luận vào tháng 10/2018, dự kiến sẽ thông qua vào tháng 5/2019.