Trà Vinh: Thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông - lâm - thủy sản
Chiến lược này nhằm đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa.
Trong đó, đẩy mạnh áp dụng các loại máy, thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, tiến đến cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa.
Đồng thời, phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy, khuyến khích đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản và tiêu thụ các nông sản truyền thống của tỉnh (sản phẩm đặc sản địa phương) nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
HTX Nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, Châu Thành) sử dụng dàn sấy kết hợp máy tự động đảo lúa trên dàn sấy để phục vụ sản xuất lúa giống, sơ chế sản phẩm. Ảnh: UBND tỉnh Trà Vinh |
UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu việc phát triển cơ giới hóa phải được thực hiện đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi. Đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng chế biến sâu, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, để hoàn thành mục đích và yêu cầu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai.
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với địa phương về cơ điện nông nghiệp, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý, thực hiện.
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và tổ chức sản xuất. Tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh, được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
Thứ tư, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản về khoa học công nghệ, kỹ năng thương mại, phát triển thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu vận hành công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thứ năm, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến với các quốc gia, tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
Thứ sáu, huy động nguồn lực. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định pháp luật.