TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường tiêu hủy gần 21.000 bao thuốc lá nhập lậu
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm 2024, tại Nhà máy xử lý của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc; Công ty Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh; Chi nhánh Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh và Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn và Nghĩa trang Đa Phước, đại diện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện Cần Giờ, Tân Phú, quận 3 và Đội Quản lý thị trường số 18 đã chứng kiến việc tiêu hủy hàng hoá là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất, nhập lậu.
Số hàng hóa bao gồm 20.810 bao các hiệu: 555, Jet, Hero, Esse Change, Esse Menthol, Esse Lights, Esse Change, Marlboro, Zouk, Raison Ice Cafe, Caraven Demi, Caraven Classic, Saigon Sliver.
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng giám sát việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP.HCM |
Phương thức tiêu hủy được áp dụng là đưa vào máy chuyên dụng xoay nhuyễn, sau đó đưa vào đốt hủy trực tiếp trong lò đốt ở nhiệt độ cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường.
Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu có sự giám sát chặt chẽ của đại diện cơ quan thường trực 389 thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các đơn vị liên quan có trách nhiệm xử lý các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định thi hành án chủ động trong thời gian vừa qua.
Phương thức tiêu hủy được áp dụng là đưa vào máy chuyên dụng xay nhuyễn, sau đó đưa vào đốt hủy trực tiếp trong lò đốt ở nhiệt độ cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP.HCM |
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, đây là một trong những hoạt động thường xuyên của cơ quan thường trực thuộc Ban chỉ đạo 389 nói chung và Quản lý thị trường thành phố nói riêng nhằm chủ động tăng cường phối hợp với các lực lượng khác trong công tác đấu tranh chống hàng hàng giả, hàng kém chất lượng; đặc biệt là mặt hàng thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất, nhập lậu qua đường biên giới Tây Nam, sau đó chuyển về địa bàn để kinh doanh.