TP. HCM đẩy mạnh giảm phát thải carbon trong giao thông, vận tải
Các phương tiện lưu thông trên đường Mai Chí Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất Việt Nam với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia, trong đó phát thải khí từ hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%.
Nhằm kiểm soát lượng phát thải này, những năm qua, chính quyền Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần kéo giảm ô nhiễm không khí, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp và hệ thống vận tải phát thải carbon thấp.
Những con số báo động
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đến tháng 6/2020, Thành phố đang quản lý gần 8,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó môtô, xe máy là gần 7,8 triệu chiếc, chiếm hơn 95% tổng lượng xe. Dự báo trong năm 2020, số lượng xe máy sẽ tiếp tục tăng lên đến 9 triệu chiếc, hầu hết đều sử dụng các loại nhiên liệu gốc carbon có chứa monoxit gây thải khí độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, đến cuối năm 2020, các phương tiện giao thông, vận tải trên địa bàn thành phố, đặc biệt là xe máy sẽ tạo ra lượng phát thải lên đến gần 17 triệu tấn các loại khí độc gồm HC (hydrocarbon), CO (carbon monoxit) và NOx (oxit nitơ).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, với kịch bản phát triển này, nếu không có bất kỳ hành động giảm thiểu nào thì đến năm 2030, lượng phát thải giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với hiện tại, tức là lên đến hơn 44 triệu tấn.
Phân tích về tính độc hại của khí thải giao thông, Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong các khí này có chứa nhiều chất Benzen, VOC, Toluen… là tác nhân chính gây ra các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp và các bệnh về máu.
Đối với người già, trẻ em đang mắc những bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, hen suyễn... khi hít phải nhiều khí thải từ xe cộ dễ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do hẹp đường thở nếu không được cấp cứu kịp thời. Riêng khí NOx khi tồn tại quá nhiều trong không khí còn có thể gây ra mưa axit làm hại cây cối và đất đai.
Hướng đến vận tải carbon thấp
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong “Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020," Thành phố đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn.
Đến nay, dựa trên số liệu thực tế từ các trạm quan trắc đặt tại những “điểm nóng” về ô nhiễm của Thành Phố Hồ Chí Minh như Giao lộ Hàng Xanh, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Điện Biên Phủ, Ngã Tư An Sương, tuy tổng lượng khí thải từ các phương tiện giao thông vẫn còn ở mức cao nhưng so với năm 2016, nồng độ các khí thải gây ô nhiễm đã giảm khoảng 80%, vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó khí CO giảm khoảng 40%, khí HC giảm khoảng 30% và khí NOx giảm mạnh gần 90%. Có được kết quả này là nhờ rất nhiều giải pháp trọng điểm đã được Thành phố triển khai trong thời gian qua.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, kêu gọi sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích tiêu dùng xăng E5 và triển khai nhiều giải pháp trong việc hạn chế khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tự động sử dụng thiết bị hiện đại của các nước G7 với tổng đầu tư 495 tỷ đồng nhằm thay thế hệ thống quan trắc thủ công vốn mất rất nhiều thời gian để phân tích mẫu và không thể cung cấp số liệu liên tục cho người dân.
Hiện Sở đã lắp đặt thí điểm hai trạm quan trắc không khí tự động ở cửa ngõ phía Đông (Khu Công nghệ cao) và phía Tây (Phòng giáo dục quận Bình Tân) của Thành phố. Các trạm này cứ 5 phút cho dữ liệu một lần, hoạt động liên tục với độ chính xác cao, điều mà các hệ thống quan trắc thủ công lâu nay không thực hiện được, qua đó đã giúp Sở kiểm soát tốt hơn tình trạng ô nhiễm không khí tại đây.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, dự kiến đến năm 2030, Sở sẽ lắp đặt thêm 16 trạm quan trắc tự động ở các giao lộ lớn, khu dân cư, khu công nghiệp tại các quận huyện, nâng tần suất quan trắc không khí của Thành phố Hồ Chí Minh lên gấp 5 lần hiện nay. Từ các chỉ số hệ thống quan trắc tự động thu thập được, Sở sẽ phân tích dữ liệu để đưa ra dự báo, xây dựng kế hoạch quan trắc phù hợp định hướng phát triển kinh tế, xã hội cũng như cảnh báo đến người dân.
Một nhà chờ xe buýt của Thành phố Hồ Chí Minh. |
Trong khi đó, theo ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2016, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp vận tải hành khách đầu tư và đưa vào sử dụng 1.680 xe buýt mới trên 52 tuyến đường để thay thế cho các xe buýt cũ đã xuống cấp và thải nhiều khí độc gây ô nhiễm không khí. Trong số này, có 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG thân thiện với môi trường, chiếm 20% trên tổng số 2.595 xe buýt công cộng của thành phố. So với các xe buýt sử dụng dầu diesel thì lượng khí thải độc hại từ những xe CNG giảm từ 53-63%, không có bụi và khói đen, tiết kiệm 30-40% nhiên liệu.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tổ chức giao thông phục vụ thi công một số dự án trọng điểm như xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1; xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương; nâng cấp mở rộng cầu Chữ Y, cầu Kênh Tẻ; xây dựng cầu Thủ Thiêm 2… Ngoài ra, Sở cũng tích cực điều chỉnh phân luồng giao thông tại các tuyến đường trọng điểm nhằm kéo giảm tình trạng ùn ứ, giảm thiểu lượng khí thải từ các phương tiện giao thông.
Tháng 5/2020 vừa qua, Sở đã phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận Tải thiết lập 8 điểm kiểm tra khí thải xe máy tự nguyện và miễn phí cho người dân nhằm phát hiện những xe máy có nồng độ khí thải lớn hơn tiêu chuẩn để ghi nhận, tìm nguyên nhân và cách khắc phục.
Sẽ thí điểm kiểm soát khí thải xe môtô
Theo ông Bùi Hòa An, đối với xe ôtô, dù là sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đều được kiểm soát khí thải trước và sau khi lưu hành thông qua việc đăng kiểm. Thế nhưng, đối với môtô, xe máy lại không có quy trình này dẫn đến tồn tại một số lượng lớn xe máy không đạt chuẩn khí thải của thành phố. Nguy hiểm hơn là những xe máy này sau khi sử dụng trên 5 năm nếu không được bảo dưỡng thường xuyên thì lượng khí thải ra sẽ tăng gấp đôi so với lúc mới mua, càng khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải giao thông trở nên trầm trọng hơn.
Thông qua kết quả thống kê, đánh giá về khí thải của lượng xe máy đến kiểm tra, Sở Giao thông Vận tải sẽ báo cáo lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để làm cơ sở đề xuất Hội đồng Nhân dân Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế cho phép Thành phố triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe môtô đang lưu thông trên địa bàn, đồng thời có các biện pháp thu hồi, chế tài nhất định đối với những phương tiện vi phạm.
Ông Bùi Hòa An cho biết, thời gian tới, ngành vận tải Thành phố tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển theo hướng giảm phát thải CO2; triển khai các giải pháp quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu CNG; lồng ghép công tác giảm khí phát thải nhà kính vào các kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển giao thông; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ cho chương trình giảm khí thải giao thông của Thành phố.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tăng cường thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về những giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sạch…