Tìm hướng phát triển cho ngành nhôm Việt Nam
Xu thế sử dụng nhôm ngày càng phổ biến
Tổng Thư ký Hội Nhôm thanh định hình Vũ Văn Phụ cho biết, trong những năm gần đây, sản lượng tiêu thụ nhôm thanh định hình trên thị trường tăng mạnh, nguyên nhân là do những ưu điểm nổi trội của vật liệu nhôm trong thi công xây dựng, xu thế sử dụng nhôm trong kiến trúc xây dựng trở nên phổ biến nên nhu cầu nhôm xây dựng trong nước tăng mạnh. Năng lực sản xuất và sản lượng của doanh nghiệp trong nước cũng tăng mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường.
Năm 2020, ngành nhôm đối mặt với nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa cho ngành nhôm. Các doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/2020. Từ cuối quý II đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi trở lại. Sau nhiều nỗ lực, các doanh nghiệp đã sẵn sàng “sống chung với dịch” để thực hiện mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.
Thị trường xây dựng, nhất là là xây dựng dân dụng đã nhanh chóng phục hồi, các hoạt động nhập lậu bị siết chặt từ tháng 5 đến nay. Hiện thị trường nhôm đã sôi động trở lại, sản lượng nhôm xây dựng ở các nhà máy đã đạt mức tương đương so với trung bình năm 2019.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn từ đợt bùng phát dịch đến nay. Điển hình là một số doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi làm thủ tục xin nhập cảnh cho chuyên gia, lãnh đạo là người nước ngoài; gây khó khăn, thiệt hại về cơ hội đầu tư, thời gian và công sức của doanh nghiệp.
Hướng tới thị trường nhôm cạnh tranh lành mạnh
Từ năm 2017, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc đã gây ra hiện tượng dư cung tại Trung Quốc, một lượng rất lớn nhôm định hình bị tồn kho vì không thể xuất khẩu sang Mỹ. Và một lượng lớn nhôm Trung Quốc đã được chuyển tải sang Việt Nam để tiêu thụ. Điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp mất đi thị phần, sản lượng giảm 40-50%; máy móc “đắp chiếu”, công nhân mất việc làm…
Để giải quyết khó khăn này, các doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình đã thống nhất thành lập Hội những nhà sản xuất Nhôm thanh định hình để bảo vệ nền sản xuất và thị trường trong nước. Đến nay, Hội Nhôm thanh định hình đã có 40 doanh nghiệp thành viên, sản lượng chiếm 65% tổng sản lượng nhôm định hình trên cả nước.
Hội Nhôm thanh định hình đã tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật cho ngành nhôm. Hiệp hội đã có những kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm thanh định hình từ 5% xuống 3% nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp; đồng thời, tham gia cùng các cơ quan chức năng góp ý xây dựng các văn bản pháp quy.
Ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam |
Nhằm ngăn chặn tình trạng nhôm Trung Quốc tràn sang Việt Nam, ngay từ năm 2018, Hiệp hội đã lập hồ sơ kiến nghị Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) điều tra bán phá giá đối với nhôm thanh định hình có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi điều tra, ngày 28/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế trong khoảng từ 2,49% đến 35,58%.
Hội cũng đã tích cực triển khai xây dựng Bộ tiêu chuẩn ngành nhôm dựa trên tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và các tiêu chuẩn mới nhất của thế giới; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chính sách giá, cũng như chính sách phát triển ngành nhôm Việt.
Để ngành nhôm định hình phát triển bền vững trong tương lai, Phó Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Nguyễn Hồng Thắng cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tham gia xây dựng các bộ tiêu chuẩn chất lượng; kiến nghị và xây dựng những chính sách về thuế, hải quan, thương mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… nhằm tạo một sân chơi bình đẳng, hướng tới một thị trường nhôm cạnh tranh lành mạnh, ổn định, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.