Tiếp tục xử lý 52 cửa hàng nâng giá bán khẩu trang
Tính từ ngày 31/1 - 8/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra 3.455 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, cửa hàng, hiệu thuốc. Hiện tượng khan hàng tiếp tục xảy ra đối với các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng phục vụ phòng bệnh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại Hà Nội, mặt hàng khẩu trang y tế vẫn khan hiếm ở hầu hết các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi có thông báo khẩu trang kháng khuẩn có thể phòng, chống dịch bệnh. Tại các điểm bán hàng của Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, nhiều người dân xếp hàng mua khẩu trang vải với giá 7.000 đồng/chiếc. Mỗi người chỉ được mua tối đa 5 chiếc. Số lượng khẩu trang Công ty sản xuất trong ngày chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân nên Công ty đang tìm giải pháp nâng cao năng suất trong những ngày tới. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương (CANIFA) chuẩn bị cung cấp sản phẩm khẩu trang vải với giá 9.000 đồng/chiếc từ 17h00 ngày 08/02/2020.
Tại Bắc Ninh, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT Bắc Ninh) ngày 5/2 nhận được tin báo về việc khu vực đường Cao Lỗ Vương, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có hiện tượng người dân gom và nâng giá bán khẩu trang. Đội đã phối hợp với Công an huyện Gia Bình tiến hành xác minh và phát hiện trong lán nhà bà Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1976, trú tại đường Cao Lỗ Vương, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình có 10 thùng khẩu trang kháng khuẩn đã tiệt trùng nhãn hiệu Quyền Anh (địa chỉ sản xuất tại Xuân Lai, Gia Bình, Bắc Ninh) nhưng chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác đã niêm phong và tạm giữ số khẩu trang trên tại Công an huyện Gia Bình để xác minh làm rõ. Tổng cục QLTT tiếp tục yêu cầu Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh thẩm tra, xác minh thông tin số khẩu trang mang nhãn hiệu Quyền Anh nêu trên có phải là khẩu trang mới, bảo đảm chất lượng hay không; nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, tại Vĩnh Phúc, Điện Biên ghi nhận không có tình trạng đầu cơ, găm hàng các loại hàng hóa sử dụng trong công tác phòng chống dịch xảy ra trên địa bàn. Nguồn cung mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng rất hạn chế nên phần lớn các quầy thuốc đều hết hàng.
Tại Nghệ An, hầu hết các hiệu thuốc khu vực đường Nguyễn Phong Sắc, Tuệ Tĩnh, Trần Phú và khu vực chợ Vinh đều thông báo “hết hàng khẩu trang y tế”. Nhân viên quầy thuốc cho biết, các Công ty cung ứng mặt hàng này hiện chỉ cung cấp cho các bệnh viện, trung tâm y tế để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh nên dự báo tình trạng khan hiếm khẩu trang tại các nhà thuốc sẽ tiếp tục xảy ra trong các ngày tới. Tình trạng này cũng xảy ra ở tình Quảng Nam khi nguồn cung mặt hàng như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn rất hạn chế, phần lớn các cơ sở không còn mặt hàng khẩu trang y tế để bán.
Tại TP, Hồ Chí Minh, các chuỗi nhà thuốc Pharmacity, Minh Châu, Long Châu, Medicare và Chi nhánh Công ty Dược phẩm Bến Thành cùng với các chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.op Food đều thông báo hết mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn.
Dù trong nước mặt hàng khẩu trang vẫn đang khan hiếm, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân song một số đối tượng đã tìm cách đưa khẩu trang “đi nước ngoài”. Ngày 7/2, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 86 kiện hàng chứa 150.000 chiếc khẩu trang các loại do Chi nhánh Công ty Cổ phần vận tải và chuyển phát nhanh ANPHA vận chuyển cho các khách hàng nhờ xuất đi nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, số hàng trên chưa xác định được chủ sở hữu và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đội QLTT số 03 đã tạm giữ toàn bộ 86 kiện hàng nêu trên để phối hợp với đại diện Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất và Đội 6 thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.