Thuốc lá điện tử tràn lan chợ mạng: Hàng cấm nhưng mua dễ
Tràn lan chợ mạng
Sau vụ 2 nam sinh lớp 12 ở Hà Tĩnh "ngáo đá" do hút thuốc lá điện tử, hay vụ vụ 8 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội buồn nôn sau khi tò mò thử hút thuốc lá điện tử phải nhập viện. Báo Công Thương đã khảo sát trên thị trường lẫn một số nhóm chuyên bán thuốc lá điện tử thông qua chợ mạng.
Seach tìm từ khoá “mua thuốc lá điện tử” trên google, hàng loạt kết quả tìm kiếm giới thiệu các địa chỉ bán hàng với đầy đủ thông tin rất dễ mua. Cụ thể, mặt hàng được bày bán với nhiều mức giá khác nhau, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Và có đủ mùi vị như: dâu dưa hấu, dâu xoài, xoài đào,...
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được bày bán công khai, tràn lan trên mạng |
Theo tư vấn của một bạn nhân viên có địa chỉ tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội, hiện mình đang kinh doanh nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu. Thuốc lá điện tử có nhiều loại máy, tuỳ vào công suất mà mức giá từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng/chiếc. Về tinh dầu, có 2 mức nicotine (nặng - nhẹ) cùng nhiều hương vị khác nhau từ cocacola, nho bưởi, nho vải, đào ổi lạnh,…
Khi được hỏi về các thành phần quan trọng trong đó, liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, nhân viên bán hàng cam kết, hàng yên tâm chất lượng và cho biết, tinh dầu được nhập từ nhiều nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Anh…
Tham khảo trên các hội nhóm, thị trường này khá sôi động với cả nghìn thành viên. Các bài quảng cáo đều chung một giọng điệu không gây nghiện, cam kết bỏ được thuốc lá,... Và hiển nhiên, việc đặt mua cũng rất dễ dàng, nhanh chóng.
Thực tế cho thấy, nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines... đã cấm sử dụng thuốc lá điện tử chứa hương vị. Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp ảnh hưởng hô hấp, có biểu hiện co giật sau khi hút thuốc lá điện tử chứa hương vị. Nhiều cơ quan đã khuyến cáo sản phẩm này ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng với mức độ nguy hiểm không kém cạnh so với thuốc lá điếu thông thường.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thông tin, đến nay thuốc lá điện tử vẫn chưa được cấp phép để phân phối ở Việt Nam và gần như tháng nào các lực lượng chức năng cũng bắt, thu giữ được trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Kịp thời ngăn chặn
Thực tế, hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với việc kinh doanh thuốc lá điện tử đã được lực lượng chức năng tiến hành thường xuyên, liên tục. Đơn cử, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, thu giữ lô hàng hơn 5.000 sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tổ công tác đã phát hiện và yêu cầu kiểm tra hành chính 26 thùng hàng bên trong có chứa gần 5.000 thiết bị đốt tinh dầu hay còn gọi là thuốc lá điện tử; bên ngoài mỗi sản phẩm có ghi chữ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Nguyễn Thành Long, sinh năm 1988, trú tại đường Phú Thịnh, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng kể trên.
Một số loại sản phẩm thuốc lá điện tử bị lực lượng chức năng thu giữ tại hiện trường |
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Thành Long đã khai nhận thu mua số hàng trên qua mạng xã hội Facebook với giá hơn 200 triệu đồng. Khi đang tập kết hàng thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hay như tháng 7, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên bất ngờ đồng loạt tiến hành kiểm tra nơi diễn ra hoạt động kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Tại các địa chỉ kinh doanh, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm máy làm nóng tinh dầu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tất cả đều khai nhận toàn bộ số hàng hóa được kinh doanh tại nhà đều không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tương tự, đầu tháng 8 vừa qua, thông qua công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên nền tảng facebook, Đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công an TP. Sa Đéc tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh thuốc lá điện tử và đã phát hiện tại hộ kinh doanh nêu trên đang bày bán hàng hóa là máy hút thuốc lá điện tử có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc với số lượng gần 60 cái.
Trong khi đó, gần đây nhất, ngày 15/9, Công an tỉnh Yên Bái cũng đã tiêu hủy lô hàng gồm 5.280 bộ sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà lực lượng này đã liên tục thu giữ trước đó.
Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, hiện nay, mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy, sử dụng cho tẩu IQOS và tương tự chưa được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật để nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, tất cả hàng bày bán hoặc là nhập lậu, hoặc hàng xách tay...
Theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không diễn biến quá phức tạp, ít phát sinh các điểm nóng, tuy nhiên sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới Tây Nam, tuyến biển, tuyến đường hàng không và bưu chính quốc tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lại có xu hướng gia tăng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh vẫn còn diễn ra phức tạp, nhu cầu của người dân mua hàng trên không gian mạng gia tăng.
Các đối tượng kinh doanh lợi dụng để bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng nên việc xác minh, truy tìm xử lý vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt kinh doanh trên ứng dụng mạng xã hội, do thiếu cơ sở pháp lý.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, còn nội dung rất quan trọng là việc tuyên truyền để người dân, người mua hàng biết cách phòng tránh, ngăn ngừa hàng lậu, hàng giả.
Bên cạnh đó, hiện Bộ Công Thương đã giao cho Cục Công nghiệp xây dựng Đề án thí điểm để xem xét về hành lang pháp lý cho thuốc lá điện tử.