Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nhằm ổn định thị trường cuối năm
Tận dụng yếu tố thuận lợi, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ ổn định thị trường cuối năm
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 trong đó nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tận dụng yếu tố thuận lợi, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ ổn định thị trường cuối năm. Ảnh minh họa |
Nghị quyết nêu rõ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Thu Ngân sách Nhà nước 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán năm. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi Ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 tăng 4,1% so với tháng Chín và tăng 5,6% so với cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 xuất siêu ước đạt 3 tỷ USD, tính chung 10 tháng ước xuất siêu 24,61 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 5,4% so với cùng kỳ (51,34%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 104.000 tỷ đồng.
Cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì đà phục hồi, phát triển tốt. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1% so với cùng kỳ. Nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu gạo trong 10 tháng đạt 7,1 triệu tấn với kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng 17% về sản lượng, 35 % về giá trị so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng tăng 9,4%. Khách quốc tế đến nước ta tháng 10 đạt 1,1 triệu lượt người, tính chung 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ, vượt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách của cả năm 2023.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; công tác an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân. Thị trường lao động tiếp tục phục hồi; số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10 tăng so với tháng trước.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh.
Triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - Ngân sách Nhà nước, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, nâng cao hiệu quả quản lý thu, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi.
Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thực hiện phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, nhất là giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp, đúng quy định, sát thực tiễn, bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động người "Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," các chương trình khuyến mại, hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu...
Mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới.
Kịp thời thông tin về thị trường, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, thúc đẩy phát triển logistics để giảm thời gian, chi phí xuất khẩu.
Đối với quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng theo quy định trên cơ sở tích hợp các quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt hoặc được thẩm định, bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ, trình phê duyệt trước ngày 31/12/2023.
Đối với quy hoạch tỉnh, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch theo quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Các quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong khẩn trương trình phê duyệt ngay trong tháng 11/2023; các quy hoạch tỉnh chưa trình thẩm định thì tập trung nguồn lực để sớm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định theo quy định, phấn đấu trình phê duyệt trong tháng 12/2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trước ngày 20/11/2023.