Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025
Chiều 16/8, tại Nghệ An, đã diễn ra Hội nghị giữa kỳ đánh giá triển khai Thỏa thuận kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2024 và Rà soát, thúc đẩy Hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021-2025 dưới sự đồng chủ trì của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào.
Hội nghị giữa kỳ đánh giá triển khai Thỏa thuận kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2024 và Rà soát, thúc đẩy Hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021-2025.Ảnh: Thành Duy |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phet Phomphiphak - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam - đã trao đổi về tình hình triển khai thực hiện thoả thuận kế hoạch hợp tác hai nước trong năm 2024 và hiệp định về hợp tác song phương giai đoạn 2021-2025. Riêng về lĩnh vực kinh tế, từ năm 2021 đến nay, Lào đã cấp phép đầu tư mới cho doanh nghiệp Việt Nam triển khai một số dự án tại Lào với tổng mức đầu tư 869,9 triệu USD.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Lào đã cấp phép 6 dự án cho doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn 339 triệu USD, trong đó, có 1 dự án thuộc lĩnh vực khai thác mỏ, 1 dự án lĩnh vực điện lực và 4 dự án lĩnh vực y tế.
Tính đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 256 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa…
Hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Lào tiếp tục tăng, riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 927,8 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Lào nhập khẩu từ Việt Nam 289,2 triệu USD và giá trị hàng Lào xuất khẩu sang Việt Nam đạt 638,6 triệu USD. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân thương mại hai nước đạt 17,7%.
Về hợp tác giao thông vận tải và xây dựng, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu khả thi và một số dự án đang trong quá trình khảo sát diện tích trên thực địa, như đường cao tốc nối Viêng Chăn - Hà Nội, tuyến đường sắt Viên Chăn - Tha Khek - Tân Ấp - Vũng Áng... Hai bên cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các thoả thuận, nghị định thư thực hiện thoả thuận hợp tác đầu tư phát triển cảng Vũng Áng 1, 2 và 3...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại sự kiện.Ảnh: Thành Duy |
Bộ trưởng Phet Phomphiphak cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước; xúc tiến và quản lý hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tại mỗi nước, đồng thời làm đầu mối phối hợp thúc đẩy các doanh nghiệp đã có hợp đồng hoặc thoả thuận liên doanh, triển khai theo đúng kế hoạch đề ra và giải quyết những vấn đề tồn tại của các dự án đầu tư đã được cấp phép.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương chia sẻ: Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa hai nước 6 tháng đầu năm 2024 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở mỗi nước.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, đưa quan hệ chính trị Việt Nam - Lào vào chiều sâu, giữ vai trò định hướng tổng thể quan hệ song phương hai nước, tập trung triển khai thực hiện tốt các Tuyên bố chung và Thỏa thuận cấp cao hai nước. Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác, kết nối kinh tế; nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, trong đó cần có đột phá về hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước, thông qua việc: Đẩy mạnh hợp tác công - tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, tuyến đường sắt Vũng Áng-Viêng Chăn để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu; tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử...