Thủ tướng yêu cầu rà soát các trạm thu phí BOT
Một vấn đề được báo giới phản ánh trong thời gian qua là tình trạng trạm thu phí trên nhiều tuyến đường “mọc lên như nấm” do các dự án đường bộ được xây dựng theo hình thức BOT ngày càng nhiều.
Một số hiệp hội (Hiệp hội Vận tải Hàng hoá TP.HCM, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) cho rằng cần điều chỉnh lại việc thu phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Vậy quan điểm chỉ đạo của Chính phủ như thế nào về vấn đề này?
Chiều 25/4, giải đáp thắc mắc trên, Người phát ngôn Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Việc thu phí để tạo nguồn vốn bảo trì hệ thống đường bộ là rất cần thiết và đang được thực hiện theo Nghị định số 18/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Nguồn thu này không sử dụng để bảo trì các dự án giao thông đường bộ BOT.
“Hiện nay các phương tiện giao thông đường bộ ngoài việc chịu khoản phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện, khi tham gia giao thông qua các tuyến đường bộ BOT thì vẫn phải chịu phí do được hưởng các dịch vụ giao thông tốt hơn” – ông Nên cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nên, việc thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT tại các Trạm thu phí của Nhà đầu tư dự án được thực hiện theo Nghị định số 10/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay trên toàn quốc có 40 trạm thu phí sử dụng đường bộ trên các tuyến Quốc lộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, mức thu phí và khoảng cách giữa các trạm thu phí được thực hiện theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Riêng đối với các dự án đường cao tốc có mức thu phí riêng theo phương án hoàn vốn của từng dự án BOT.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trạm thu phí dự án BOT trên các tuyến quốc lộ, bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành và khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định” – ông Nên nói.