Thứ hai 18/11/2024 15:17

Thủ tướng: Việt Nam mong muốn cùng Romania làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác

Thủ tướng Chính phủ đã trả lời phỏng vấn báo chí Romania về những kinh nghiệm đưa Việt Nam phát triển vượt bậc và triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm chính thức Romania, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời phỏng vấn báo chí Romania về những kinh nghiệm đưa Việt Nam phát triển vượt bậc như ngày này, về những quyết sách quan trọng nhất được Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra và triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Thủ tướng cho biết nguyên nhân nào, bài học kinh nghiệm gì đã đưa Việt Nam phát triển vượt bậc, thậm chí là phi thường như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực, nhất là làm thế nào để Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trong một thời gian ngắn đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nhìn lại chặng đường gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Có thể khẳng định, chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế tăng hơn 53 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 28 lần. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 60% vào đầu những năm 1990 xuống còn 2,93% năm 2023, Việt Nam đã hoàn thành sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển.

Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực và là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với mạng lưới 16 Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.

Những năm vừa qua, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia thấp hơn giới hạn quy định; cán cân thương mại thặng dư; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi, phát triển tốt.

Năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25%; tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,05%; xuất siêu 28 tỷ USD; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trên 32%.

Năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25%; tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 5,05%; xuất siêu 28 tỷ USD; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trên 32%.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam tiếp tục đạt được thành tựu nổi bật, liên tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất; không chỉ đáp ứng nhu cầu bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong nước mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo, cao nhất từ trước đến nay.

Những thành tựu quan trọng đạt được trên đây có nhiều nguyên nhân, đồng thời qua tổng kết thực tiễn đã đúc kết, vận dụng hiệu quả nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là:

Một là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là đường lối cơ bản, xuyên suốt của Cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là những yếu tố nền tảng để huy động sức mạnh tổng hợp từ bên trong và bên ngoài, phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

Hai là sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển. Chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam và tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Ba là không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Những kinh nghiệm, truyền thống quý báu về tinh thần đoàn kết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút thành tư tưởng Đại đoàn kết: ''Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công'' và được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gìn giữ, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết cũng là yếu tố nền tảng quan trọng của sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ đấu tranh cho dân chủ, tiến bộ và hoà bình trên thế giới.

Bốn là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh, gồm các trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử của đất nước; trong khi sức mạnh thời đại là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, là khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa. Trong đó, xác định rõ nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định và cần được gắn kết chặt chẽ, kết hợp hài hoà với ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Năm là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh; mọi đường lối, chủ trương phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

- Thưa Thủ tướng, làm thế nào Việt Nam có thể kết hợp được lý tưởng Cộng sản với một số quy luật của kinh tế thị trường?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Những thành tựu quan trọng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thời gian qua có được trước hết chính là nhờ sự nắm vững chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống văn hoá, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đây là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển; bảo đảm phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm 2022 trong điều kiện thế giới rất khó khăn là minh chứng thể hiện rõ sự hấp dẫn của Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước quản lý bằng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; sử dụng cơ chế thị trường, các công cụ thị trường, các quy luật giá trị, cung cầu, cạnh tranh.. với sự điều tiết hài hoà, hợp lý, hiệu quả của Nhà nước để giải phóng sức sản xuất, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, Nhà nước ban hành và thực thi hiệu quả hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp nhằm định hướng và tạo môi trường pháp lý minh bạch, công bằng, thuận lợi cho sự phát triển các thành phần kinh tế và các chủ thể kinh tế.

Sự điều chỉnh, quản lý của Nhà nước nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ; gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; khắc phục những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm hài hoà lợi ích, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững.

- Xin Thủ tướng cho biết những quyết sách quan trọng nhất được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra, nhất là mục tiêu phát triển trong ngắn hạn và trung hạn của Việt Nam?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được những mục tiêu chiến lược nêu trên, Việt Nam tập trung xây dựng các yếu tố nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững - đó là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Đồng thời, Việt Nam tập trung thực hiện những chủ trương, quyết sách lớn trên các lĩnh vực cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong đó:

Về kinh tế, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi (như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen…).

Về văn hóa, xã hội, môi trường, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về quốc phòng, an ninh, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước; bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; xây dựng xã hội trật tự, an toàn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Về đối ngoại, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; trong đó độc lập, tự chủ là cơ sở, là sức mạnh nội sinh để nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập quốc tế. Thực tiễn những năm qua cho thấy, đây là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời của Việt Nam, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

- Việt Nam ngày nay là một trong những chủ thể quan trọng nhất của thế giới về quan hệ quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các siêu cường hoặc nước lớn. Làm thế nào để Việt Nam thành công đạt được vị trí này?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Là quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do chiến tranh, Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hoà bình. Với tinh thần “gác lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai,” Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại và trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ với 193 quốc gia trên thế giới; trong số 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, 7 thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và 16 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Việt Nam hiện đang là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế, trong đó có các thể chế đa phương quan trọng nhất của khu vực và toàn cầu.

Đạt được những thành tựu quan trọng nêu trên trước hết chính là nhờ có chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kế thừa, phát huy chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.” Vững ở gốc là truyền thống tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia dân tộc, là tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung. Chắc ở thân là bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách và khó khăn, trước vất vả và gian lao. Uyển chuyển ở cành là sự mềm mại, khôn khéo, sáng tạo trong triển khai công tác đối ngoại.

Chính sự vững chắc, uyển chuyển, linh hoạt trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên tất cả kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam. Cùng với đó, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội; sự ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và kiên trì chính sách quốc phòng "4 Không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) đã góp phần để Việt Nam có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với những vấn đề chưa có tiền lệ, đối ngoại Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức hơn, song chúng tôi mong muốn chung tay cùng các quốc gia, dân tộc, cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực, hiệu quả vào việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững, cùng nhau tạo dựng, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng và chung tay ứng phó với các thách thức chung mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

- Ngài đánh giá thế nào về mối quan hệ hiện nay giữa Romania và Việt Nam?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việt Nam và Romania có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác rất tốt đẹp trong gần 75 năm qua và tiếp tục mở rộng và phát triển tích cực. Romania là một trong những nước đầu tiên công nhận Việt Nam và đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, thống nhất trước đây cũng như xây dựng và sự nghiệp xây dựng, phát triển ngày nay. Romania đã giúp đỡ đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán bộ, chuyên gia, là nguồn nhân lực rất quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước chúng tôi.

Romania đã tích cực hỗ trợ quá trình Việt Nam và EU đàm phán, ký phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), là một trong hai quốc gia EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất, Romania đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng 300.000 liệu vaccine phòng bệnh, giúp chúng tôi vượt qua đại dịch và mở cửa phục hồi, phát triển kinh tế. Chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn và không bao giờ quên sự giúp đỡ kịp thời, chí tình, chí nghĩa của Chính phủ và nhân dân Romania.

Chúng ta vui mừng trước những thành quả phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của Romania trong thời gian qua, đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn thuộc nhóm đứng đầu EU (năm 2021 đạt 5,9%; năm 2022 đạt 4,8% và năm 2023 dự báo đạt 3,1% mặc dù thế giới gặp nhiều khó khăn). GDP bình quân đầu người không ngừng tăng, năm 2022 đạt trên 17.000 USD và năm 2023 ước đạt trên 18.500 USD.

Báo chí Romania đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN phát)

Đồng thời, quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Romania cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Kim ngạch hai chiều đã gần gấp đôi từ 261 triệu USD năm 2019 lên 425 triệu USD năm 2022. Hai nước vừa vừa ký Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2023-2026. Hợp tác giữa các địa phương hai nước được đẩy mạnh. Giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường. Ngày càng nhiều khách du lịch Romania đến thăm Việt Nam.

Với cơ hội, tiềm năng và dư địa hợp tác còn rất lớn, trên cơ sở quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có, Việt Nam mong muốn cùng Romania làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, củng cố tin cậy chính trị thông qua tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh; tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương và khu vực; tiếp tục tạo đột phá về thương mại, đầu tư trở thành trụ cột trong quan hệ song phương; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà Romania có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng như giáo dục, văn hóa, xã hội, lao động, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, những ngành, lĩnh vực mới nổi...; đồng thời mong muốn Chính phủ Romania tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam tại Romania, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam hòa nhập, ổn định cuộc sống và làm ăn lâu dài, trở thành cầu nối gắn kết hai nước.

- Tôi được biết Ngài đã học ở Romania, từng làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bucharest. Xin Ngài chia sẻ kỷ niệm của Ngài với Romania và cảm nhận của Ngài khi quay lại thăm Romania trên cương vị Thủ tướng Việt Nam?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cá nhân tôi luôn lưu giữ những ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc về đất nước Romania tươi đẹp, con người Romania cần cù, thân thiện, mến khách và nghĩa tình.

Tôi không bao giờ quên những năm tháng tuổi trẻ học tập và thời gian công tác tại Romania; lưu nhớ những gương mặt, giọng nói, tiếng cười và hình ảnh rất đỗi thân thương của các thầy cô, bạn bè Romania, những người đã góp phần quan trọng giúp những lưu học sinh chúng tôi có được những gì như ngày hôm nay.

Tôi và các cựu lưu học sinh, lưu học sinh Việt Nam luôn tri ân, ghi nhớ công lao của các thầy cô, bạn bè và nhân dân Romania đã dìu dắt, giúp đỡ trong thời gian học tập tại đây. Với kiến thức, chuyên môn được đào tạo tại Romania, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; đồng thời đóng góp tích cực cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc.

Tôi rất vui mừng và xúc động trở lại Romania lần này và tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường, làm sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, vì lợi ích của hai dân tộc, của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

- Trân trọng cảm ơn Thủ tướng.

Theo www.vietnamplus.vn

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng dự Lễ khánh thành, đặt biển kỷ niệm, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Brazil

Các tập đoàn hàng không vũ trụ, thực phẩm... Brazil muốn mở rộng hợp tác toàn diện với Việt Nam

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau

Việt Nam cùng ASEAN đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi (Cà Mau)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải phát huy ngoại giao cao hơn, rộng hơn thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Brazil

Chủ tịch nước Lương Cường kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản

Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và phát biểu tại APEC lần thứ 31

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo các nền kinh tế nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp bộ máy Chính phủ tinh gọn, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cà Mau

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica

Chủ tịch nước tham dự Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC và khách mời

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024'

Thủ tướng phân công 4 Phó Thủ tướng theo dõi, giải quyết kiến nghị của Quảng Trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu