Thiếu chế tài quản lý khiến việc xử lý thuốc lá điện tử còn khó khăn
Kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (gọi tắt là thuốc lá thế hệ mới) nhập lậu đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tuy vậy lực lượng quản lý thị trường lại không thể xử phạt mạnh tay các hành vi vi phạm do chưa được áp dụng Luật Phòng, Chống tác hại thuốc lá hiện hành. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh |
Thưa ông, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam nhưng hiện vẫn được bán phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy. Tại TP. Hồ Chí Minh, việc kiểm tra, xử lý mặt hàng này như thế nào?
Vài năm gần đây, thị trường Việt Nam bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lá lá, đang xuất hiện thêm một số sản phẩm thuốc lá mới, trong đó phổ biến là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…
Theo chúng tôi đánh giá, mặt hàng thuốc lá điện tử này được học sinh, sinh viên ưa chuộng do có kiểu dáng bắt mắt, thời trang và có nhiều mùi hương khác nhau. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin về các loại thuốc lá điện tử cũng diễn ra công khai trên các tài khoản cá nhân; các hội, nhóm có rất nhiều thành viên tham gia trên các mạng xã hội, internet và một số website thương mại điện tử.
Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh; là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin gây các bệnh về tim mạch, hô hấp và tiêu hóa. Thậm chí, sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi cấp tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Nhận thấy tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới này, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vì các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 10 năm 2023, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra, xử lý 90 vụ vi phạm, đã xử phạt với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 15.271 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử, phụ kiện thuốc lá điện tử, tinh dầu với tổng trị giá hơn 2,8 tỷ đồng.
Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một điểm kinh doanh thuốc lá điện tử |
Như ông thông tin thì các hoạt động kinh doanh và mua bán sản phẩm này vẫn diễn ra công khai. Vậy chế tài xử lý mặt hàng này hiện nay như thế nào, có khó khăn gì không?
Qua thực tiễn công tác kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng thuốc lá điện tử của Cục Quản lý thị trường Thành phố cho thấy, mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trên thị trường hiện nay được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá.
Tuy nhiên, các sản phẩm thuốc lá mới chưa được quy định cụ thể trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật, dẫn tới khó khăn trong việc xác định loại mặt hàng để xử lý. Cụ thể, Luật hiện chỉ có khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan thuốc lá còn với thuốc lá điện tử lại chưa có chế tài cụ thể liên quan, nên không có cơ sở để coi đây là mặt hàng cấm hoặc bị hạn chế.
Việc quy định pháp luật về sản phẩm thuốc lá điện tử chưa có khiến các cơ quan chức năng phải vận dụng quy định khác để xử phạt nên không mang tính răn đe, cũng như chưa thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành với loại sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu đặt ra.
Xin ông cho biết rõ hơn những biện pháp mà Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng để xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử?
Cục Quản lý thị trường Thành phố áp dụng quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ quy định để xử phạt về “Hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu”; “Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép mặt hàng thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền; vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu; cảnh báo cho người tiêu dùng các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Xin cảm ơn ông!