Thanh Hóa: Đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi
Sáng 29/9, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một lãnh đạo huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã tìm thấy thi thể cháu L.N.M. (14 tuổi), học sinh lớp 8, trường Trung học cơ sở Lương Nội bị trượt chân và bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Trước đó, vào khoảng 12h ngày 28/9, cháu L.N.M. cùng với 4 học sinh khác đi chơi gần suối Đòn, khu vực giáp ranh giữa xã Lương Nội và xã Lương Trung, không may cháu bị trượt chân và bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lũ cuối trôi. Ảnh Minh Hiếu |
Ngay sau khi nhận được thông báo từ chính quyền địa phương và người dân, lực lượng chức năng đã nhanh chóng đến hiện trường cùng với gia đình tổ chức tìm kiếm. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện thi thể cháu M. gần khu vực bị ngã.
Nạn nhân thứ 2 là anh C.N.T (sinh năm 1981), trú tại thôn Quang Trung, xã Bình Lương, huyện Như Xuân bị nước lũ cuốn trôi mất tích sáng sớm 27/9 trên sông khi đi đánh cá, UBND xã Bình Lương xác nhận đã tìm thấy thi thể anh C.N.T.
Liên quan đến thiệt hại do mưa lũ gây ra tại tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25 đến 28/9 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, gây lũ lớn trên một số tuyến sông. Riêng mực nước sông Bưởi (huyện Thạch Thành) lũ đạt mức trên báo động 1, gây sạt lở bờ hữu sông Bưởi ở 5 vị trí thuộc thôn Định Hưng và Thạch An, xã Thạch Định, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sinh sống dọc bờ sông Bưởi, đặc biệt là uy hiếp đến an toàn của tuyến đê bao Thạch Định.
Chiều ngày 28/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu UBND huyện Thạch Thành tổ chức khoanh vùng khu vực sạt lở, cắm biển cảnh báo và thông báo rộng rãi cho Nhân dân không đi vào vùng nguy hiểm; đồng thời có phương án để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của Nhân dân sinh sống trong khu vực, đặc biệt là dọc tuyến đê bao Thạch Định.
Thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế tốc độ sạt lở, về lâu dài phải tính đến phương án kè kiên cố tuyến đê; thường xuyên quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra, trong đó đặc biệt chú trọng phương án sơ tán các hộ dân sinh sống tại khu vực sát mép sạt lở đến nơi an toàn; tổ chức các lực lượng tuần tra, canh gác và xử lý kịp thời các sự cố đề điều theo phương châm “4 tại chỗ”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu UBND huyện Thạch Thành tổ chức khoanh vùng khu vực sạt lở. |
Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm sạt lở tuyến đê Đông sông Cùng, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa. Đây là tuyến đê cửa sông, thường xuyên chịu tác động của lũ và thuỷ triều. Tuyến đê xung yếu có chiều dài hơn 3 km, hiện tại cao trình điểm đê còn thấp so với mục tiêu phòng lũ, mặt cắt đê nhỏ, đê sát sông, một số vị trí đã xảy ra sạt lở, không đảm bảo an toàn.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp, yêu cầu các cấp chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, canh gác và chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tuyệt đối tuyến đê.