Thứ sáu 22/11/2024 00:01

Tăng cường hợp tác trong ASEAN phát triển cây ca cao bền vững

Ngành ca cao châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức, việc liên kết giữa các nước trồng cây ca cao khu vực ASEAN là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 9/10, tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra Hội thảo lần thứ 24 Câu lạc bộ Ca cao ASEAN (ACC) với chủ đề “Hợp tác ASEAN và các phương pháp tiếp cận chung trong Chương trình thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp”.

Chương trình do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với dự án Kinh tế Tuần hoàn /chu-de/gia-ca-cao.topic do Liên minh Châu Âu (EU) và tổ chức Helvetas tài trợ tổ chức.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BTC

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chào mừng các vị đại biểu ACC tại TP. Vũng Tàu - một trong những trung tâm kinh tế và du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, ca cao du nhập vào Việt Nam từ năm 1960. Tuy nhiên, diện tích ca cao của Việt Nam liên tục giảm từ năm 2012 đến nay. Năm 2012 có tổng diện tích 25.700 ha, đến năm 2023, diện tích ca cao của Việt Nam là 3.471 ha, diện tích thu hoạch là 2.836 ha, sản lượng 4.786 tấn nhân khô, năng suất 16,9 tạ nhân khô/ha.

Để định hướng phát triển ca cao ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển ca cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó mục tiêu chung là phát triển bền vững cây ca cao và tăng sản lượng, sản phẩm hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất đai, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng ban hành tiêu chuẩn chất lượng hạt ca cao vào năm 2006 nhằm từng bước tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hạt ca cao tại Việt Nam.

Ca cao Việt Nam được đánh giá có năng suất tốt, chất lượng cũng mang tính đặc trưng so với các quốc gia khác. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tuy nhiên, cũng như một số nước trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức đang hạn chế sự phát triển ca cao là những biến động về giá cả và thị trường ca cao trên thế giới, nguy cơ suy giảm chất lượng hạt ca cao, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là vấn đề đối với sản phẩm ca cao, sự cạnh tranh từ các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn ca cao, sâu bệnh hại cây trồng, tính bền vững của đa dạng sinh học và tác động tiêu cực đến sản xuất ca cao do biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác.

Ngành ca cao châu Á cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do tình hình kinh tế toàn cầu gây ra, bao gồm biến động giá cả, chênh lệch lớn giữa cung và cầu ca cao, sâu bệnh gây hại cho cây trồng, tiêu chuẩn toàn cầu khắt khe về vệ sinh thực phẩm, trong đó có ca cao.

“Tôi hy vọng kỳ họp này sẽ đạt được mục tiêu đề ra là đưa ra các sáng kiến, giải pháp và tăng cường hợp tác trong ASEAN nhằm giúp các nước thành viên phát triển sản xuất ca cao bền vững, tập trung vào các vấn đề thúc đẩy thương mại ca cao trong và ngoài ASEAN, tăng cường trao đổi thông tin, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng và chế biến cacao, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hạt cacao, đa dạng hóa sản phẩm cacao, phát triển hoạt động cạnh tranh lành mạnh trong ngành cacao và các vấn đề khác được các nước thành viên quan tâm”, ông Lê Quốc Thanh mong muốn.

Các đại biểu ACC dự Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Theo TS. Ramle Kasin, Ban điều phối Ca cao Malaisia, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ socola ngày càng tăng trên toàn cầu. Ngành ca cao đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia ASEAN.

"Hội thảo thường niên Câu lạc bộ Ca cao ASEAN là cơ hội quan trọng để các bên liên quan cùng nhau chung tay xây dựng một ngành ca cao ASEAN phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng", TS. Ramle Kasin chia sẻ.

Tại Hội thảo, các nước trồng cây ca cao đến từ khu vực ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) đã chia sẻ, cung cấp thông tin về những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ca cao, quan điểm và chiến lược liên kết sản xuất ca cao giữa các nước ASEAN; tăng cường hợp tác trong phát triển và chuyển giao công nghệ; giải pháp nâng cao chất lượng ca cao đảm bảo VSATTP nhằm tăng giá trị sản phẩm…

Đồng thời, Hội thảo cũng đưa ra các báo cáo về thuế quan và rào cản phi thuế quan đối với hạt ca cao và các sản phẩm ca cao; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Khu vực thương mại tự do ASEAN (FTA) giữa ASEAN và các nước khác; quốc gia được hưởng ưu đãi nhất (MFN)…

Nguyễn Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường ASEAN