Chủ nhật 17/11/2024 01:21

Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần khung pháp lý phù hợp

Thời gian gần đây, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng xuất hiện khá nhiều trên thị trường, chủ yếu nhập lậu và kinh doanh bất hợp pháp. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến việc xử lý sản phẩm này, khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng.

Chủ yếu nhập lậu, bày bán công khai

Hai năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện tình trạng kinh doanh, mua bán, trao đổi các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... Đây là các loại thuốc lá thế hệ mới chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, được nhập thông qua con đường xách tay và buôn lậu.

Lực lượng quản lý thị trường xử lý nhiều vụ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới

Ông Nguyễn Kỳ Minh – Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương - cho biết, các hoạt động mua, bán, quảng cáo, giới thiệu về các loại thuốc lá thế hệ mới diễn ra công khai trên các tài khoản cá nhân, các hội, nhóm. Nếu trong năm 2019, Hà Nội chỉ kiểm tra 6 vụ và thu giữ gần 1.000 các sản phẩm liên quan đến thuốc lá thế hệ mới thì đến hết tháng 9/2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lực lượng QLTT Hà Nội cũng xử phạt 6 vụ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, thu giữ hàng nghìn sản phẩm phục vụ cho việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới. Đáng kể, Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng thu giữ 4 kiện hàng hóa nghi là thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị thu giữ khoảng 1 tỷ đồng.

Không chỉ mua bán trên thương mại điện tử, loại hình thuốc lá thế hệ mới này còn xuất hiện tại một số điểm bán hàng công khai trên thị trường. Mới đây, lực lượng QLTT đã phát hiện 1 trường hợp ở Hà Nội, bên ngoài bán cà phê nhưng bên trong kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Đặc biệt, các đối tượng vi phạm khai nhận, giá nhập đầu vào loại thuốc này rất rẻ, chỉ khoảng 40.000 đồng/ chiếc, nhưng khi bán đến tay người dùng, lên tới 160.000 - 200.000 đồng, lãi gấp 4 - 5 lần.

Cần khung pháp lý phù hợp

Hiện, thuốc lá điện tử xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam và hoàn toàn bằng con đường không hợp pháp. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay chưa có chế tài xử lý thuốc lá điện tử, khiến cho cơ quan

chức năng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý vi phạm. Ông Nguyễn Kỳ Minh cho rằng, pháp luật cần điều chỉnh theo kịp các hiện tượng nên cần có khái niệm rõ ràng, chính danh để xử lý, cần một khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này để có những mức hình phạt cụ thể và xác đáng cho các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nó. Ngoài ra, “khi xây dựng chính sách thuế, cần cân nhắc đến thực trạng thuốc lá thế hệ mới nhập lậu để có thể hỗ trợ tốt nhất cho cuộc chiến với các sản phẩm nhập lậu cũng như các mục tiêu quản lý nhà nước” - ông Nguyễn Kỳ Minh lưu ý.

Bà Hoàng Lan Hương - Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - kiến nghị, không nên ban hành ngay chính sách mà cần thận trọng với dòng sản phẩm thế hệ mới; tạm thời chưa cho phép nhập khẩu và lưu thông cho đến khi những tác động của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được đánh giá đầy đủ hơn.

Bộ Công Thương đã có Công văn số 728/BCT-CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, về cơ bản các Bộ Tài chính, Tư pháp, Khoa học - Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đều thống nhất việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp để quản lý đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết và có cơ sở.

Trước tình hình nhập lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá tại Văn bản số 8750/VPCP-V.I; trong đó, giao Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Tuệ Minh
Bài viết cùng chủ đề: Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Tổng cục Quản lý thị trường tuyển dụng công chức năm 2024

Hà Nội: Xử lý cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử có dấu hiệu nhập lậu tại quận Hoàn Kiếm

Quản lý thị trường cả nước kiểm tra trên 61.000 vụ việc trong 10 tháng năm 2024

Tuyên Quang: Phát hiện và tạm giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE tại huyện Sơn Dương

Hà Nội: Phát hiện cơ sở có dấu hiệu sản xuất thực phẩm giả mạo nhãn hiệu

Nghệ An: Ngăn chặn vụ vận chuyển trái phép 16,2 kg pháo

Bạc Liêu - Sóc Trăng: Lực lượng Quản lý thị trường hoàn thành gần 300 cuộc kiểm tra định kỳ

Cục QLTT Tuyên Quang hoàn thành Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024

Cao Bằng: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cơ sở kinh doanh trên địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa

Thanh Hóa: Phát hiện gần 3.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu với giá trị gần 400 triệu đồng

Sóc Trăng: Quản lý thị trường kiểm tra định kỳ phát hiện 22 vụ vi phạm

Hải Dương: Tiêu hủy gần 100 đôi giày thể thao giả mạo nhãn hiệu Adidas

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền chống buôn lậu và gian lận thương mại

Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa 'ghi điểm' với những kết quả nổi bật

Hà Nội: Thu giữ 10.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Nike, Lacoste

Tuyên Quang: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm

Hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn phức tạp

Quản lý thị trường Ninh Bình: Triển khai cao điểm dịp Tết Ất Tỵ 2025

Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa tổ chức Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ

Hải Dương: Buộc tiêu hủy gần 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, phụ kiện làm đẹp không rõ nguồn gốc