Quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải: Cần chính sách hỗ trợ cụ thể
Công ty TNHHMTV Điện lực Hải Phòng tích cực hưởng ứng Giờ Trái đất |
Thách thức trong việc cung cấp điện
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7% giai đoạn 2016 - 2030, hệ thống nguồn điện của Việt Nam (Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đến năm 2020 phải đạt 60.000MW, đến năm 2025 khoảng 96.500MW và đến năm 2030 gần 130.000MW. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống nguồn điện của Việt Nam mới đạt khoảng gần 50.000MW; trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao với mức tăng trưởng 2 con số.
Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu; áp lực truyền tải điện trên hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam rất lớn; một số dự án điện theo Quy hoạch VII chậm tiến độ từ 3 năm trở lên; giá năng lượng còn thấp, khó thu hút đầu tư tư nhân; đi kèm đó là những thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng…
Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, các chuyên gia cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ thiếu điện rất lớn. Do đó, giải pháp quan trọng cấp bách hiện nay là quản lý nguồn cầu, đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả sử dụng điện, nhất là đối với các ngành sản xuất công nghiệp. Trên thực tế, cường độ sử dụng năng lượng ở Việt Nam (tổng tiêu thụ điện năng/GDP = kWh/1.000 đồng) thuộc nước cao nhất trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, hệ số đàn hồi điện (tỷ lệ giữa tăng trưởng GDP/tăng trưởng nhu cầu điện) ở Việt Nam vẫn ở mức cao (để tạo ra 1 đơn vị GDP phải tiêu tốn từ 1,6 - 1,8 đơn vị điện; ở nước phát triển, con số này khoảng 1 đơn vị).
Cần sự chia sẻ của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc thực hiện Chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Chương trình DR là một giải pháp quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, giảm áp lực đầu tư cho ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là cộng đồng DN, trong đó có các DN Hải Phòng.
Theo ông Bùi Quang Hải - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng, chia sẻ những áp lực chung của đất nước; đồng thời, thực hiện Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thời gian qua, Sở Công Thương đã có báo cáo và tham mưu cho UBND TP. Hải Phòng ban hành văn bản triển khai Quyết định của Thủ tướng và Bộ Công Thương về Chương trình DSM/DR. Sở đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Hải Phòng căn cứ nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch triển khai chương trình, đề xuất giải pháp phù hợp để thành phố hỗ trợ ngành điện và khách hàng thực hiện DSM/DR.
Ông Nguyễn Hữu Hưởng - Phó giám đốc PC Hải Phòng - thông tin, đến nay, toàn đơn vị đã rà soát, lên danh sách hơn 274 DN có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên; phối hợp với tư vấn, liên hệ làm việc gần 200 khách hàng. Đã ký kết thỏa thuận thực hiện với hơn 32 DN có sản lượng điện tiêu thụ điện từ 3 triệu kWh trở lên. Mới đây, PC Hải Phòng đã thực hiện Chương trình DR lần đầu với tổng công suất 32MW.
Tuy nhiên, nhiều DN vẫn băn khoăn về việc điều chỉnh phụ tải có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc điều chỉnh chỉ được thông báo trước 24 giờ.
Cần hướng dẫn và cơ chế hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - chia sẻ, dù ý thức tiết kiệm điện của DN trên địa bàn đã được nâng lên đáng kể, nhưng hiệu quả sử dụng điện vẫn chưa đạt như mong muốn vì nguồn lực tài chính đầu tư chuyển đổi dây chuyền, máy móc, thiết bị nhiều DN vẫn còn hạn chế; cơ chế hỗ trợ của nhà nước còn chung chung; chưa có sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng, ngân hàng… Đây chính là "nút thắt" cần tháo gỡ trong thời gian tới. "Chúng tôi sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng tìm giải pháp hỗ trợ DN tham gia Chương trình Sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả, trong đó có Chương trình DSM và DR" - ông Thành cho biết.
Để Chương trình Sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, ông Bùi Quang Hải kiến nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng định mức tiêu hao năng lượng đối với một số ngành công nghiệp, từ đó, có chế tài xử lý đối với các đơn vị không chấp hành, vi phạm quy định. Đồng thời, Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể hơn nữa cho TP. Hải Phòng trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; hàng năm, quan tâm, bố trí kinh phí để hỗ trợ địa phương thực hiện.
Đại diện DN, ông Lê Minh Hiếu - Phó Tổng giám đốc Công ty Xi măng Chinfon - cho hay, điện là yếu tố đầu vào quan trọng, ảnh hưởng khá lớn đến quá trình sản xuất cũng như hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường. Vì vậy, công ty luôn ý thức và triển khai nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. "Đối với Chương trình điều chỉnh phụ tải, tôi cho rằng, DN cần chia sẻ với nhà nước và ngành điện. Tuy nhiên, cũng cần có giải pháp hợp lý vì mỗi DN thuộc lĩnh vực sản xuất khác nhau sẽ có nhu cầu sử dụng điện khác nhau. Vì vậy, cần xây dựng chương trình điều chỉnh phụ tải theo mùa, hoặc từng giai đoạn" - ông Lê Minh Hiếu nói.
Trên cơ sở thống kê, tính toán nhu cầu sử dụng điện của DN theo khối sản xuất ở từng thời điểm, cơ quan quản lý nhà nước/ngành điện cần xây dựng chương trình phần mềm quản lý thông minh để tự động điều tiết chỗ thừa - thiếu hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng: Chúng tôi mong muốn DN trên địa bàn thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện đầy đủ, hiệu quả chương trình. UBND thành phố cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia Chương trình tiết kiệm điện và DR. |