Quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp: Ngăn chặn trục lợi, biến tướng
Sàng lọc mạnh mẽ
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ khi Luật Cạnh tranh, Nghị định 110/2005/NĐ-CP có hiệu lực đến giai đoạn Nghị định 42/2014/NĐ-CP và hiện tại là Nghị định 40, số lượng DN kinh doanh theo phương thức BHĐC giảm từ 102 xuống còn 23 công ty. Đáng chú ý, số lượng DN giảm đột biến nhưng doanh thu BHĐC lại tăng.
Kinh doanh đa cấp biến tướng gây hậu quả khôn lường |
Cụ thể, năm 2018, doanh thu của DN BHĐC đạt hơn 10.782 tỷ đồng, tăng hơn 2.700 tỷ đồng (hơn 30%) so với năm 2017. 6 tháng đầu năm 2019, con số này tiếp tục đạt khoảng 5.809 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018).
"Những con số biết nói này đã minh chứng cho việc siết chặt quản lý của Bộ Công Thương làm người dân yên tâm hơn khi muốn tham gia hoạt động BHĐC và lĩnh vực này đang hoạt động có hiệu quả hơn trước" - bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam - nhận định.
Chia sẻ về những quy định thực hiện trong Nghị định 40, ông Phạm Văn Cao - Trưởng phòng Điều tra và Xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục CT&BVNTD - cho biết: Nghị định 40 đã tập trung vào nhiều điểm mới quy định rõ ràng cách thức, số lượng hoạt động của DN BHĐC như: Phải có website thông tin về sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về sản phẩm, có hệ thống công nghệ thông tin, thông tin về việc mua bán giao dịch, phát sinh hoa hồng… Cùng với đó, theo quy định của Nghị định này, tất cả các DN đều phải có chương trình trả thưởng đăng ký với Bộ Công Thương.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Cao cho biết, hiện nay Cục CT&BVNTD đang có một website cung cấp thông tin về DN BHĐC được cấp phép kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm, cập nhật thường xuyên thông tin để cơ quan báo chí và người dân có thể tham khảo và chia sẻ thông tin.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam, các quy định của Việt Nam về BHĐC đang khó nhất thế giới, nhưng những yêu cầu đó đã làm thị trường trở nên minh bạch, sàng lọc DN một cách mạnh mẽ, củng cố ngành BHĐC Việt Nam phát triển hơn.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai và ý kiến phản ánh từ các địa phương, Bộ Công Thương nhận thấy, công tác quản lý hoạt động BHĐC vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, pháp lý, thực tiễn và nguồn nhân lực.
Trong đó nổi lên các vấn đề lợi dụng mô hình BHĐC để lừa đảo, trục lợi thông qua hình thức đầu tư với đối tượng không phải là hàng hóa như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, khóa học, ví điện tử không thuộc phạm vi quản lý của Nghị định 40/2018/NĐ-CP nên khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép (không đăng ký hoạt động chính thống) cũng có xu hướng phát triển, đặc biệt là các hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động tài chính sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp trong khi Bộ Công Thương không có thẩm quyền quản lý các đối tượng này…
Để đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ các DN kinh doanh bất chính có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC, hạn chế các rủi ro cho người dân, Bộ Công Thương khẳng định sẽ thực hiện quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký BHĐC một cách chặt chẽ nhất có thể. Từ năm 2016 đến nay, đã có 25 DN nộp hồ sơ nhưng chưa có DN nào được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.
Trong quá trình xem xét hồ sơ của DN, trường hợp phát hiện dấu hiệu cho thấy có hoạt động BHĐC khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, Bộ Công Thương sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền xác minh, giải quyết. Sau khi có kết quả giải quyết từ cơ quan công an, Bộ Công Thương mới tiếp tục xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt BHĐC.
Thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo sát tiến độ xây dựng các Nghị định có nội dung liên quan đến xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC để hoàn thiện các quy định, đảm bảo hạn chế tối đa khoảng trống pháp lý điều chỉnh đối với các hành vi BHĐC bất chính.
Song song với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động BHĐC cũng như các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC cũng được tiếp tục chú trọng trong thời gian tới.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận hoạt động BHĐC của 5 DN, hoàn thành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về BHĐC đối với 2 DN theo kế hoạch và đã xử phạt 2 DN này với tổng số tiền phạt là 835 triệu đồng. |