Quản lý giao dịch liên kết: Trăn trở của nhà đầu tư, nhà quản lý
Giao dịch liên kết là gì?
Theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP, “giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện tại, các giao dịch này thường được gắn liền với vấn đề “chuyển giá”. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Vấn đề giao dịch liên kết và chuyển giá đã được đề cập trong các văn bản pháp luật ban hành từ cuối thập niên 90 về quản lý thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: Thông tư số 74/TC/TCT ngày 20/10/1997 hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, Thông tư 89/1999/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam...
Tuy nhiên, chỉ đến khi Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20) và Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 20 được ban hành vào năm 2017, vấn đề về giao dịch liên kết mới được nhìn nhận và điều chỉnh toàn diện. Song, sau một thời gian triển khai, Nghị định đã bộc lộ một số bất cập và chưa có tính khả thi. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, thời gian tới sẽ ban hành nghị định sửa đổi toàn diện Nghị định 20.
Một vài hạn chế chính của những quy định pháp luật về giao dịch liên kết hiện nay có thể kể đến: Chưa có khái niệm rõ ràng về “chuyển giá”; thiếu các quy định cụ thể để xác định các trường hợp giao dịch liên kết hay chuyển giá; cơ chế xử lý các giao dịch liên kết chưa thực sự phù hợp và hiệu quả. Chính vì những hạn chế này mà việc xác định các giao dịch liên kết và chuyển giá cũng như những kết luận thanh tra, kiểm tra các giao dịch còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, gây ra những quan ngại đối với các nhà đầu tư.
Nhanh chóng hoàn thiện chính sách
Để quản lý hiệu quả hoạt động chuyển giá, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Trước hết, cần kiểm soát để đảm bảo giảm bớt hành vi lách thuế bằng cách hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật. Thứ hai, tăng cường năng lực của các cán bộ làm công tác thuế để đánh giá được hành vi nào là hành vi sai trái. Thứ ba, củng cố hệ thống công nghệ thông tin để khâu quản lý được công khai, minh bạch hơn.
Trước đây, một chuyên gia thuế quốc tế cũng từng nhấn mạnh, chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp mà chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp. Đồng thời, đánh giá cao việc sử dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) theo nguyên tắc cơ bản về “giá thị trường” của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD).
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính, trước hết, cần phải có một ngân hàng giá để có được giá khác nhau của sản phẩm trong các ngành khác nhau, giám sát tốt khi doanh nghiệp kê khai giá không đúng và yêu cầu kê khai lại hay kê khai theo giá thị trường. Bên cạnh đó, phải có các chuyên gia hiểu biết sâu về chuyển giá và các hệ thống dữ liệu để có thể tra cứu. Ngoài ra, chúng ta phải áp dụng APA (thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế), để có sự thống nhất về giá với những mặt hàng mà Việt Nam chưa có hoặc với những giao dịch liên kết, giảm thiểu hoạt động chuyển giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, những sửa đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý giao dịch liên kết và chuyển giá ở Việt Nam cần được thực hiện theo hướng phù hợp với các thông lệ quốc tế, tạo cơ sở thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; tránh những quy định gây cản trở sự phát triển, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Từ đó, tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư, góp phần thu hút làn sóng FDI. |