Phụ nữ mang đến những đổi thay tích cực cho cộng đồng và xã hội
Sáng tạo, tự tin trong thời đại mới
Theo bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Lịch sử xây dựng và phát triển đất nước đã ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, phụ nữ Việt Nam đã và đang phát huy truyền thống chủ động, sáng tạo, tiếp tục khẳng định vị trí và vai trò của mình góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Số liệu thống kê cho thấy, trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã có những bước tiến đáng kể, từ chỗ chỉ có 10 nữ đại biểu trong Quốc hội khóa I, đến khoá XV đã có 151 nữ đại biểu, chiếm tỷ lệ 30,26%. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng, trình độ, học vấn, chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động của các nữ đại biểu cũng không ngừng được nâng lên; tỷ lệ phát biểu, tham gia tại các kỳ họp luôn ở mức cao. Nhiều ý kiến được tiếp thu, có sức thuyết phục.
Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp chiếm 15,96% với cấp tỉnh, 19,63% với cấp huyện, và 24,77% với cấp xã.
Phụ nữ ngày càng tham gia sâu trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, phụ nữ đã, đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế hiện đại. Họ không chỉ tham gia vào các ngành nghề truyền thống mà còn dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như y tế, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, công nghệ cao, khởi nghiệp và kinh tế số…
Tại Lễ trao Giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2024 diễn ra mới đây, hẳn nhiều người có chung ấn tượng với thạc sỹ Nguyễn Trần Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu, Tổng công ty Viễn thông Viettel. Chị đã chủ trì nhiều sản phẩm trọng điểm trong lĩnh vực ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… giúp tối ưu chi phí, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Chị xuất sắc nhận nhiều giải thưởng cao quý của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội và được vinh danh là 1 trong 17 “Gương mặt hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững”.
Hay đại uý Đỗ Minh Hằng - Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang là 1 trong 9 chỉ huy của đơn vị. Chị xuất sắc trong công tác phát hiện, xác minh và điều tra nhiều vụ án kinh tế như tham gia 25 chuyên án liên quan tới lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế.... trong đó 10 chuyên án trực tiếp phát hiện, xác lập và xây dựng kế hoạch đấu tranh. Chị đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Bộ Công an.
Với sự gia tăng hiện diện của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế mới đã góp phần vào sự phát triển bền vững và thúc đẩy đổi mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Đảm bảo quyền lợi kinh tế và bình đẳng giới cho phụ nữ
Với hành trang mang trong mình truyền thống tốt đẹp, vẻ vang từ ngàn đời nay, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, "giỏi việc nước, đảm việc nhà", vừa là hậu phương vững chắc, chăm lo cuộc sống của gia đình, vừa thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, xã hội, vừa tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Phát biểu tại Lễ trao giải Chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi xanh” và Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2024 diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo quyền lợi kinh tế và bình đẳng giới thực chất cho phụ nữ; chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy bình đẳng giới trong khởi nghiệp và phát triển kinh tế.
Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, nghị quyết tạo khung khổ pháp lý để phụ nữ được phát triển trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp, sáng tạo, bảo vệ môi trường, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hợp tác xã, Luật Bảo vệ môi trường… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh; đồng thời đảm bảo phụ nữ được hưởng quyền lợi và cơ hội công bằng như nam giới, đảm bảo bình đẳng giới trong kinh doanh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp có sự tham gia quản lý của phụ nữ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt 2 Đề án dành riêng cho phụ nữ, giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện, mang tên “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Kết quả, trong 5 năm triển khai đề án, đã có hơn 18,2 triệu phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 78.992 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập mới 5.908 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý. Những nỗ lực này không chỉ giúp hàng nghìn phụ nữ phát triển kinh tế mà còn tác động tích cực vào giải quyết những vấn đề xã hội, góp phần ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Một lần nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Vai trò kinh tế của phụ nữ vừa là một trong những nhân tố đầu vào của sản xuất vừa là đích đến của quá trình phát triển. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn khuyến khích, đồng hành mọi ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
“Với đức tính bền bỉ, nỗ lực, đảm đang, với sự năng động, đổi mới, với sức mạnh và bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam… tôi tin tưởng, nhiệt huyết khởi nghiệp của các chị sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng khắp, góp phần nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, đổi mới và cống hiến của các tầng lớp phụ nữ. Sẽ ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, hợp tác xã của phụ nữ đứng tên trong danh sách những dự án khởi nghiệp thành công của Việt Nam, của khu vực và thế giới...’’, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.