Thứ năm 19/12/2024 14:54

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau

Chiều 17/11, tại TP Cà Mau, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.

Chiều 17/11, tại TP. Cà Mau, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu. Báo Công Thương xin trân trọng giới thiệu toàn văn cùng bạn đọc:

Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau. Ảnh CMO

Thưa các đồng chí trong đoàn công tác Trung ương,

Thưa các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Hôm nay, tôi và một số đồng chí ở Trung ương rất vui mừng được về thăm và làm việc với tỉnh Cà Mau. Có thể nói Cà Mau - mũi cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc là một trong số những địa phương đầu tiên tôi mong muốn đến làm việc nhưng chương trình công tác giờ mới bố trí được. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước tôi xin gửi tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

1. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Cà Mau là miền đất được khai phá muộn nhất ở phương Nam, là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt trên bước đường Nam tiến. Song dù là miền đất mới được khai phá khoảng 300 năm nhưng mảnh đất này chất chứa trong lòng cả một lịch sử oai hùng của các bậc tiền nhân nhiều thế hệ chinh phục thiên nhiên, thú dữ, của những người “mang gươm đi mở nước” đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu để tạo ra vùng đất tươi đẹp như ngày nay. Nơi đây cũng chứa đựng một di sản văn hóa miền sông nước vừa đậm chất bản địa vừa mang dấu ấn của những người con lưu hương, đặc sắc bậc nhất vùng đồng bằng Sông Cửu Long cũng như cả nước.

2. Cà Mau có vị trí rất quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Mảnh đất Cà Mau giàu truyền thống cách mạng, là nơi ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại, câu chuyện hào hùng về những con người đất Mũi đã làm nên những chiến công oanh liệt, với những trang sử hào hùng và lưu dấu di tích như Bến Vàm Lũng (điểm cuối của Đường Hồ Chí Minh trên biển), di tích Hòn Đá Bạc (địa danh nổi tiếng sau thành công của Kế hoạch phản gián CM12); Di tích đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phan Ngọc Hiển, di tích căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước, v.v… Mỗi di tích đều ghi dấu tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông trong lịch sử đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên. Chính môi trường tự nhiên và xã hội cùng với khí chất Nam Bộ miền sông nước Cửu Long đã đã hun đúc lên người Cà Mau có những phẩm chất cao quý, hào sảng, dũng cảm, nghĩa tình và hết lòng yêu quê hương, đất nước.

3. Qua nghe báo cáo của Tỉnh ủy, nghe ý kiến đã phát biểu, tôi xin khát quát lại một số kết quả chủ yếu:

- Tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển toàn diện, đến cuối năm 2024, dự kiến có 7 chỉ tiêu đạt và vượt cả nhiệm kỳ, đến 2025 dự báo có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội; Kinh tế đang phục hồi, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) dự báo tăng khoảng 6,53%; quy mô kinh tế tăng 1,46 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người ước đạt 72,9 triệu đồng/người/năm, tăng 38,4% so với năm 2020; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cà Mau dẫn đầu cả nước về nuôi tôm, sản lượng bình quân trên 600 ngàn tấn/năm. Toàn tỉnh có 63/82 xã được công nhận nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,56%/năm, nay chỉ còn 1,2%, diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên.

- Du lịch từng bước khẳng định được thương hiệu, uy tín. Cà Mau có nhiều nghề truyền thống, thể hiện những kỹ năng, sự tài hoa và khéo léo của con người nơi đây, như chiếu Tân Thành, mắm ba khía và tôm khô Rạch Gốc; hầm than đước Ngọc Hiển; đũa đước Năm Căn; dưa bồn bồn Cái Nước… đã góp phần đa dạng hóa nét văn hóa, từ đó làm phong phú sản phẩm du lịch của Cà Mau.

- Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, như chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên, phòng chống đại dịch Covid 19 đạt kết quả tốt. Quốc phòng an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân.

- Công tác xây dựng chính đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên, hoạt động của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới và đạt kết quả tốt.

- Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi biểu dương, đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã đạt được trong thời gian qua.

4. Bên cạnh những thành tựu, và mặt tích cực, tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những khó khăn hạn chế:

- Cà Mau chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng sụt lún, sạt lở bờ biển, bờ sông phức tạp.

- Tăng trưởng kinh tế vẫn dưới mức tiềm năng, chưa ổn định và chất lượng tăng trưởng chưa cao; quy mô nguồn thu còn nhỏ, còn nhận trợ cấp khá lớn từ Trung ương. Có 2/17 chỉ tiêu là GRDP và cơ cấu kinh tế dự báo khó đạt, đây là những chỉ tiêu quan trọng. Kết cấu hạ tâng kinh tế- xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp khu kinh tế.

- Tiềm năng du lịch của Cà Mau rất lớn xuất phát từ điều kiện tự nhiên và vốn văn hóa, tuy nhiên chưa được khai thác thực sự tốt do còn thiếu những nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, quản trị và kinh nghiệm.

- Giảm nghèo chưa bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

- Hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, phối hợp của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý chưa thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt.

5. Tôi nhất trí các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau đã đề ra, tôi xin chia sẻ, nhấn mạnh một số nội dung:

Trước hết, tôi gợi ý tầm nhìn cho Cà Mau đến năm 2045, Cà Mau phải trở thành một tỉnh hạt nhân phát triển của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long, là một tỉnh có trình độ kinh tế khá, một nền kinh tế năng động hòa quyện vào đời sống xã hội sống động; một cấu trúc kinh tế - xã hội – môi trường bền vững nhờ sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa tài nguyên tự nhiên với nguồn lực con người, năng lực quản trị và công nghệ; trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo và xuất khẩu điện của cả nước, phát triển nông, lâm nghiệp hiện đại, thông minh, du lịch bền vững, chất lượng cao.

Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Tôi có một số gợi ý trao đổi với các đồng chí:

Thứ nhất, cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của tỉnh. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu. Nghiên cứu để có cơ chế đột pháp thu hút nhân tài trong và ngoài tỉnh, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, đối mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện tinh gọn bộ máy phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, song hành với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng chỉ thị 35-CT-TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, phải khơi dậy vốn văn hóa bản địa giàu bản sắc, đây là vốn dân tộc, là nguồn lực để phát triển; truyền được cảm hứng phát triển: Cà Mau có nhiều tiềm năng để phát triển, điều quan trọng là cần phải truyền cảm hứng phát triển, khát vọng vươn lên làm giàu cho người dân. Từ thực tiễn cho thấy, nhân hòa là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của các địa phương. Đó chính là sự thống nhất về chủ trương và quan điểm từ đội ngũ lãnh đạo cho đến cán bộ cấp dưới, cấp cơ sở, trên dưới cùng đồng nhịp, không có chuyện trên nóng dưới lạnh; cùng với sự năng động, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm của các lãnh đạo và cán bộ viên chức sẽ quyết định đến kết quả thành công.

Thứ ba, phát huy hơn nữa vị trí địa kinh tế, quan tâm đến công tác quy hoạch và ưu tiên đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông: Cà Mau (cùng với Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang) là 1 trong 4 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, được ví như 4 bánh xe của cỗ xe tăng trưởng kinh tế của cả Vùng ĐBSCL trong những thập niên tới. Diện mạo kinh tế - xã hội của Vùng ĐBSCL tùy thuộc rất lớn vào vai trò nòng cốt mang tính động lực của kinh tế các tỉnh này, trong đó có Cà Mau. Do đó, Cà Mau cần khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết chặt chẽ với 3 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm nói riêng và các địa phương khác nói chung trong việc hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực, cùng phát triển, cùng chia sẻ thành quả phát triển. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, và đồng bộ, ưu tiên đầu tư các trục giao thông có khả năng kết nối đến các trung kinh tế lớn hiện hữu của vùng, các trung tâm chế biến và các thị trường tiêu thụ.

Cần có phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng (như đường xá, điện, nước, viễn thông, internet…) và giảm chi phí cung cấp các dịch vụ công như y tế, giáo dục, dịch vụ hành chính công. Qua đó xóa bỏ tình trạng cư trú phân tán, tập trung đất đai cho nhu cầu dự án đầu tư lớn cũng như phát triển mở rộng sau này.

Thứ tư, thúc đẩy và nâng cao chất lượng phát triển các ngành kinh tế có nhiều lợi thế là thủy sản và du lịch. Đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản, đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị thủy sản chất lượng cao. Xây dựng, định vị và nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu du lịch Cà Mau, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc.

Thứ năm, chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, y tế; nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng vốn con người – đây là chìa khóa then chốt. Đảng và Nhà nước đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng bao trùm, tức làm cho mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và chia sẻ thành quả của phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Giáo dục và y tế tốt không chỉ giúp tạo ra những công dân tốt, khỏe mạnh mà còn là những người lao động giỏi, có khả năng làm chủ kinh tế bản thân và gia đình, sau đó là đóng góp cho xã hội. Không để trẻ em nào không được đến trường vì hoàn cảnh kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải là ưu tiên cao nhất của Cà Mau.

Thứ sáu, tiếp tục cải cách hành chính và chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ở khu vực công và khu vực tư nhân, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Những lợi thế cạnh tranh của một địa phương giờ đây không phải chỉ nhờ vị trí địa lý hay nguồn tài nguyên sẵn có. Đây chỉ là những lợi thế cứng mà vai trò của nó đang trở nên ít quan trọng hơn. Thay vào đó, lợi thế cạnh tranh mềm đến từ môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, chất lượng thể chế, năng lực quản trị nhà nước… mới là những yếu tố quyết định.

Tôi đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển kinh tế- xã hội; chú trọng sắp xếp, phân bố không gian phát triển theo hành lang kinh tế, trục phát triển, gắn với huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường kết nối vùng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; kiến tạo môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp, thu hút hiệu quả các dự án đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mới. Tạo việc làm cho người dân để họ không bỏ xứ để đến trung tâm kinh tế lớn mưu sinh, đây là một sứ mệnh của nhiều tỉnh trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Tây, trong đó có Cà Mau. Đồng thời, tập trung quán triệt, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm vi phạm.

Thưa các đồng chí,

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, tôi đề nghị Tỉnh ủy, Ban thường vụ tỉnh ủy có giải pháp quyết liệt, dứt điểm để thực thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 2025, đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP. Cần tập trung các giải pháp ưu tiên để bảo đảm tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống của người dân.

Các kiến nghị, đề xuất của tỉnh rất xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn, khát vọng vươn lên của cả Đảng bộ tỉnh, đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương cũng đã có ý kiến trao đổi, đa số đồng tình ủng hộ. Giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, cùng đồng hành, với sự năng động, sáng tạo, đột phá của chính quyền địa phương, để tạo nên các nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế Cà Mau nhanh và bền vững - cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với bản lĩnh chính trị, trí tuệ, truyền thống cách mạng, khát vọng phát triển và quyết tâm cao, Cà Mau sẽ thực hiện thắng lợi và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại Hội XIII của Đảng, đưa tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, Nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc, xứng đáng là tỉnh địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc.

Với niềm tin tưởng sâu sắc đó, thay mặt Bộ chính trị, và các đồng chí trong Đoàn công tác, một lần nữa, tôi chúc toàn thể các đồng chí, chúc cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Cả Mau mạnh khỏe, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tham gia đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Cà Mau, còn có sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Trước đó, sáng ngày 17/11/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tham gia cùng Đoàn công tác của Trung ương đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau; dâng hương Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Ngày 16/11/2024, Đoàn công tác cũng đến thăm Di tích Quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam sông Đốc, thị trấn sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cà Mau; tham dự Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau.

PV
Bài viết cùng chủ đề: Tổng Bí thư Tô Lâm

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn phòng Trung ương Đảng phải là ‘túi khôn’ của Đảng

Các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc phải quyết liệt, bứt phá về kinh tế

Thủ tướng mong Học viện Kỹ thuật quân sự đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa

Tổng Bí thư Tô Lâm: Thanh niên Quân đội phải xây hoài bão lớn

Hải Phòng: Khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi có tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng

Thủ tướng: Ngành văn hoá, thể thao và du lịch phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cán bộ Đoàn, Hội phải 'gian khổ thì đi trước, hưởng thụ thì đi sau'

Thanh niên Việt Nam yêu nước, đoàn kết, tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước Lương Cường: Quân đoàn 12 cần nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào: Điểm sáng trong quan hệ song phương

Ngành công nghiệp văn hóa: Chuyển biến mạnh từ chính sách đến thực tiễn

Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX

Sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

Chính phủ cho ý kiến về 06 đề nghị xây dựng luật, 01 dự án pháp lệnh

Thủ tướng: Sắp xếp tổ chức bộ máy cần quan tâm giữ chân cán bộ có năng lực

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Hợp tác song phương Việt Nam - Lào phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Belarus ngày càng củng cố và phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bảo đảm an ninh phải góp phần mở rộng không gian phát triển