Thứ ba 05/11/2024 16:24

Phải tự hào, tự tin vào vị thế của đất nước trong hoạt động đối ngoại

Đối ngoại, dù ở trụ cột nào cũng phải tự hào, tự tin vào vị thế của đất nước mới có thể phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều biến động to lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tiềm ẩn cả những cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phải "phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước", trong đó phát huy sức mạnh tổng hợp của một nền ngoại giao toàn diện với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ. Ảnh: VGP

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định việc Đảng ta xác định "phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước" có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, điều đó hoàn toàn đúng đắn và đi kịp với xu thế của thời đại.

Công tác đối ngoại luôn đứng ở tuyến đầu

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nếu xét về nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của chúng ta hay của mỗi quốc gia đều có 3 nguy cơ lớn. Thứ nhất là các mối đe dọa từ bên ngoài. Thứ hai là những bất ổn định từ bên trong. Thứ ba là những thách thức an ninh phi truyền thống, đây là nguy cơ mới nhưng rất nguy hiểm.

Đối với 3 nguy cơ trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh chỉ rõ, công tác đối ngoại đảm nhiệm việc vô hiệu hóa ít nhất hai nguy cơ. Trước hết chúng ta làm tốt công tác đối ngoại sẽ làm giảm những âm mưu, ý đồ xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc từ bên ngoài, vốn đã được chứng minh trong thời gian vừa qua. Đối với những thách thức an ninh phi truyền thống, chúng ta không thể không hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức vốn mang tính chất xuyên quốc gia, khu vực và toàn cầu này.

"Còn về những bất ổn định từ bên trong, rõ ràng do nội bộ chúng ta là chính nhưng nếu bên ngoài không có chỗ dựa cho những ý đồ phá hoại sự phát triển của đất nước thì sự chống phá từ bên trong cũng yếu đi rất nhiều. Vì vậy đường lối, chủ trương của Đảng đánh giá công tác đối ngoại là một mũi chủ công để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là hoàn toàn đúng đắn", nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh phân tích, phải nhìn rộng thêm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gồm những nội hàm gì. Trước hết là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thứ hai là bảo vệ độc lập, tự chủ của đất nước. Thứ ba là bảo vệ hòa bình để tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển. Nếu để bảo vệ hòa bình nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển thì công tác đối ngoại luôn luôn đứng ở tuyến đầu. Thực tế đã chứng minh với đường lối đối ngoại đó, đất nước chúng ta ổn định; chúng ta giữ được chủ quyền lãnh thổ; chúng ta có độc lập, tự chủ; có nền hòa bình để đất nước phát triển như ngày hôm nay.

Tình hình thế giới đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề và phức tạp hơn đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, dự báo đúng tình hình, chủ động trước mọi tình huống. Vì vậy để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tranh thủ thời cơ và nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, việc đầu tiên là tạo môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước. Điều đó không có gì tốt hơn là sử dụng công tác đối ngoại và chỉ có công tác đối ngoại mới giải quyết được vấn đề đó. "Khi môi trường quốc tế và khu vực ổn định thì thách thức, nguy cơ với đất nước giảm đi. Việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là ở chỗ đó", nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Định vị "vị thế và tâm thế mới" trong quan hệ quốc tế

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, chúng ta không chỉ bảo vệ hòa bình cho đất nước mình mà còn tích cực đóng góp cho ổn định, hòa bình ở khu vực và thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế để trong lúc bình yên chúng ta có môi trường để phát triển nhưng trong lúc khó khăn, thậm chí có những thời điểm lợi ích quốc gia, dân tộc bị đe dọa thì chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trên cơ sở công lý, trật tự và luật pháp quốc tế. Đây cũng là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cũng bày tỏ sự tâm đắc với bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa diễn ra của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có đoạn: Chúng ta cần xây dựng "vị thế và tâm thế mới" của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, trên cơ sở tâm thế và vị thế đó, chúng ta có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong công tác đối ngoại với một mục đích trước sau không thay đổi, đó là bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Vậy vị thế, tâm thế mới đó là gì? Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh lý giải: Đầu tiên, đó là tình hình quốc tế và khu vực mà ở đó vai trò của các quốc gia càng ngày càng trở nên quan trọng với tiêu chí đầu tiên là lợi ích quốc gia, dân tộc của mình. Thứ hai là mối quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới bây giờ rộng hơn và sâu sắc hơn, tạo cho chúng ta nhiều diễn đàn đa phương để đặt vấn đề về lợi ích của chính mình. Thứ ba chính là vị thế, sức mạnh của đất nước đang lên.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, chúng ta không còn là một nước nhỏ hay nước nghèo, chúng ta có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, có gần 100 triệu dân, có nền kinh tế đang phát triển, có mối quan hệ với quốc tế đáng tự hào.

Với vị thế như vậy, chúng ta phải chủ động đưa ra tiếng nói của mình để mong muốn xây dựng bảo vệ đất nước, bảo vệ quốc gia dân tộc. Đồng thời chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn để góp phần bảo vệ trật tự quốc tế, luật pháp quốc tế; bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ, vừa qua chúng ta đi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Cũng có người đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta đưa người đến tận châu Phi, điều đó có lợi ích gì cho đất nước, nhân dân và quân đội mình. Nếu nhìn một cách ngắn hạn thì ở châu Phi rất xa xôi nhưng nhìn xa hơn có thể thấy trong khoảng 10 năm qua, tiếng nói Việt Nam trên các diễn đàn của Liên Hợp Quốc, các diễn đàn quốc tế mạnh mẽ hơn rất nhiều vì chúng ta đã chủ động đóng góp xứng đáng cho hòa bình thế giới.

Quay trở lại ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước hết chúng ta phải nhận thức được vị thế của đất nước; phải tự hào, tự tin vào vị thế của đất nước mình. Trên cơ sở vị thế đó, phải chủ động ý kiến, nêu quan điểm của mình về bảo vệ Tổ quốc cũng như đóng góp vào hòa bình thế giới. Chúng ta phải đặt ra những yêu cầu đối với thế giới trong quan hệ với Việt Nam, đó là tôn trọng độc lập, tự chủ; tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và luật pháp quốc tế một cách có chừng mực trên cơ sở hợp lý và tuân thủ luật pháp quốc tế. Từ đó chúng ta được thế giới đón nhận một cách tích cực và đó chính là những thế mạnh để bảo vệ Tổ quốc và tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn trong cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia vào xây dựng hòa bình và phát triển nhưng với lợi ích cốt lõi của quốc gia dân tộc thì trước sau như một, không thay đổi. Đó là sự toàn vẹn lãnh thổ, là độc lập, tự chủ của đất nước, là con đường phát triển theo định hướng XHCN, là sự tham gia tích cực vào hòa bình ổn định của khu vực và thế giới, là mong muốn tạo môi trường hòa bình để phát triển. Đó chính là lợi ích cốt lõi. Tuy nhiên có thể rút gọn ở 3 điểm: Chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, hòa bình. 3 lợi ích đó phải gắn vào nhau và không thể thiếu một trong 3 lợi ích nêu trên. Chính vì vậy phải nỗ lực không để xảy ra chiến tranh và phải bảo vệ những gì chúng ta có. Đó là nhiệm vụ lâu dài, liên tục, thường xuyên và mỗi ngày phải cố gắng nhiều hơn.

Đối ngoại nhân dân càng phải mạnh hơn trong thời bình

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta lần đầu tiên xác định ba trụ cột cấu thành cơ bản của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam: "Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân". Đây là bước phát triển quan trọng khi vai trò của đối ngoại nhân dân được đề cao thành một trong ba cấu thành trụ cột của nền ngoại giao toàn diện.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, cần xác định nội hàm của đối ngoại nhân dân là gì và những lĩnh vực cụ thể đối ngoại nhân dân đảm trách trong tình hình mới hiện nay, chẳng hạn như tăng cường mối giao lưu giữa người dân Việt Nam với người dân các nước láng giềng, điều đó tạo nền tảng bền vững cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước phát triển, hay mở rộng đối ngoại với các nước trên thế giới bằng các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Không chỉ bây giờ mà ngay từ trong chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quan hệ đối ngoại nhân dân với Pháp, Mỹ rất tốt và chính người dân Pháp, Mỹ là những người đầu tiên cầm cờ chống chiến tranh ở Việt Nam và làm cho chính quyền của nước đó phải thấy rằng cần chấm dứt chiến tranh. Trong thời bình chúng ta càng phải làm mạnh hơn. Đối ngoại nhân dân cũng gồm nhiều lĩnh vực, về khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo… và các lĩnh vực khác.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nếu làm tốt công tác tuyên truyền về thế mạnh của Việt Nam; về bản sắc, thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam làm cho thế giới hiểu hơn về vẻ đẹp của Việt Nam, thì đó chính là bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động tiếp thị thương mại thông thường. Do vậy đối ngoại nhân dân cần chỉ đạo chặt chẽ từ hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới và đặc biệt là chính từ nhận thức của người dân bởi "làm đối ngoại nhân dân trước hết là cho chính mình, tiếp đến đóng góp cho sự phát triển của đất nước"./.

baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump bất ngờ ám chỉ khả năng thua cuộc

Nga thu phục ‘mắt thần’ của Mỹ, bí mật công nghệ quan trọng bị lộ diện

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 5/11: Nga bắt giữ lính Ukraine ở Kursk; Ukraine bắn hạ 50 UAV của Nga

Bầu cử Mỹ 2024: Thông điệp khép lại chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Cuộc thăm dò gây chấn động trước giờ G

Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris, ông Trump 'so găng' quyết liệt trong 48 giờ tranh cử cuối cùng

WTO kêu gọi tái thiết hệ thống thương mại toàn cầu trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng

Chiến sự Trung Đông: Israel tấn công bệnh viện ở Lebanon khiến căng thẳng 'leo thang'

‘Mũi kim thép’ của Nga vươn xa 30km, tái định nghĩa pháo binh hiện đại

Israel tấn công nhiều bệnh viện ở Gaza, bằng chứng về Hamas liệu có thuyết phục?

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay, ngày 4/11/2024: Công dân Mỹ giúp tình báo Nga hoạt động ở Ukraine như thế nào?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cảnh báo rủi ro đối với nền kinh tế châu Á sẽ gia tăng

Kinh tế Hoa Kỳ được dự báo tỏa sáng trước thềm bầu cử Mỹ

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 4/11: Ukraine tung 'cú đấm thép' ở Kursk; Nga không kích xuyên đêm vào Kiev

Chiến sự Trung Đông: Rốc-két từ Lebanon tấn công dữ dội vào Israel

Iran tuyên bố đáp trả mạnh mẽ hành động quân sự của Israel

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 3/11/2024: Tổng tư lệnh Ukraine thừa nhận tình thế như 'cá nằm trên thớt'

Khốc liệt cuộc chiến giữa tác chiến điện tử Nga và UAV Ukraine

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 3/11: Nga ‘hạ’ lính đánh thuê Ukraine ở Kursk; Ukraine phá hủy 2 xe tăng Nga

Nga ra mắt tên lửa phóng loạt mới, đối thủ đáng gờm của HIMARS Mỹ?