Nỗ lực giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện
Nhiều dự án đường dây truyền tải có nguy cơ chậm tiến độ |
Nguy cơ chậm tiến độ nhiều công trình
Ông Đoàn Tấn Phong – Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (AMN) - cho biết, để truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 dự kiến sẽ phát điện vào đầu năm 2016, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án lưới điện 500kV và 220kV, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, hiện công tác GPMB đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu đền bù, bồi thường. Trong số 4 dự án đường dây thì có tới 3 dự án gặp khó khăn với hai nguyên nhân cơ bản. Một là người dân không chịu nhận tiền bồi thường và có khiếu nại về đơn giá thấp; hai la nhiều địa phương chậm phê duyệt phương án bồi thường. Ngoài ra còn vấn đề tín ngưỡng của một số người dân nơi có đường dây đi qua...
Đơn cử như dự án đường dây 500 kV Duyên Hải - Mỹ Tho có tổng chiều dài 113km với 241 vị trí móng cột, đi qua 4 tỉnh miền Tây Nam bộ là Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, nhưng đến nay còn 1 vị trí móng chưa bàn giao được mặt bằng thi công; 62/241 vị trí móng chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Phần hành lang tuyến cũng mới giải phóng 3/4 diện tích mặt bằng vì đợi phê quyệt phương án bồi thường cho 1.264/3.700 hộ.
Theo báo cáo của EVNNPT, tình trạng vướng về GPMB còn diễn ra ở nhiều địa phương có dự án như đường dây 220 kV Phan Thiết – Phú Mỹ 2, Tân Định – Uyên Hưng, TBA 220 kV Vũng Tàu, các đường dây đấu nối 220 -110 kV sau TBA 500 kV Sông Mây, đấu nối 110 kV sau TBA 220 kV Nhơn Trạch... Ở miền Bắc nhiều công trình có nguy cơ chậm tiến độ như TBA 220 kV Sơn Tây, đường dây 220 kV Thường Tín – Kim Động... cũng liên quan đến GPMB.
Cần cơ chế đặc thù và sự vào cuộc của chính quyền
Đại diện EVNNPTcho biết, hệ thống đường dây, trạm biến áp có vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải điện từ các nhà máy phát điện, giúp nâng cao độ tin cậy cấp điện cho hệ thống. Thế nhưng, những vướng mắc về khâu GPMB đang là nguy cơ dẫn đến các dự án, công trình truyền tải điện bị chậm tiến độ. Điều này đã gây thiệt hại, lãng phí về nguồn tài chính, nhân lực.... cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công và cả các nhà máy đã hoàn thành trước công trình đường dây.
Trên thực tế, để bảo đảm tiến độ, nhiều nhà thầu đã phải chấp nhận hỗ trợ đền bù GPMB ngoài số tiền quy định của nhà nước. Đơn cử, tại vị trí móng cột 197 thuộc xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Công ty Xây lắp điện 2 đã phải thỏa thuận hỗ trợ thêm 487 triệu đồng cho 3 hộ dân ngoài phần tiền đền bù 2 triệu đồng/1 cây sầu riêng theo quy định của nhà nước.
Theo ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT, khó khăn trong công tác GPMB có nguyên nhân vướng mắc từ cơ chế, chính sách, ở một số nơi người dân chưa chấp hành nghiêm quy định của nhà nước và Hội đồng đền bù GPMB.
Nhiều ý kiến cho rằng, để các dự án truyền tải đúng tiến độ, cần xem xét nghiên cứu đưa ra cơ chế đặc thù riêng, nhất là trong cơ chế đền bù GPMB, bảo đảm lợi ích hài hòa cho người dân; đồng thời, có chế tài xử lý những trường hợp các tổ chức, hộ dân không chấp hành quy định chung. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các đoàn thể địa phương trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, tạo sự đồng thuận trong công tác GPMB.
Ông Đặng Phan Tường- Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT: Trong thời gian tới, ngoài việc chỉ đạo tập trung nguồn lực, đẩy nhanh thi công, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có đường dây đi qua để tháo gỡ khó khăn về công tác GPMB, bảo đảm đúng tiến độ các công trình theo kế hoạch. |