Nhiều yếu tố đang hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi
Tiến hiệu phục hồi đến từ chính sách và ổn định kinh tế
Tại Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản - Trao chứng nhận Dự án đáng sống 2024 diễn ra vào sáng 27/11 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: Thị trường bất động sản đã xuất hiện những dấu hiệu “tạo nhiệt”. Tính chung 9 tháng năm 2024, thị trường đã ghi nhận 30.589 giao dịch thành công, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh NH |
Trong 9 tháng năm 2024, thị trường bất động sản cũng đã ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Trong đó, các sản phẩm có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 trở lên chiếm phần áp đảo.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, bất động sản là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính khác như: Thị trường tiền tệ, thị trường lao động... Hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu ngân sách và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản phẩm quốc nội đối với một quốc gia. Nên việc thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới cũng nằm trong mục tiêu chung của phát triển kinh tế đất nước.
Cũng đánh giá cao về tín hiệu phục hồi của thị trường bất động sản, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho rằng: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng càng về cuối năm thị trường bất động sản càng thấy sự phục hồi tích cực nhờ sự ổn định của nền kinh tế và chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Đặc biệt là việc Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đó, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản, mở ra chu kỳ mới cho thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh hơn.
"Các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ, theo đó thị trường cơ bản ổn định, nguồn cung đã có phần cải thiện. Các phân khúc bất động sản từ nhà ở, thương mại tới bất động sản công nghiệp đều cho thấy dấu hiệu tăng trưởng tích cực với nhiều dự án mới được triển khai" - ông Hoàng Hải khẳng định.
Các chuyên gia tham dự phiên thảo luận tại Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản. Ảnh: NH |
Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, về góc độ chính sách, 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản đã thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đột phá, đổi mới, tiến bộ, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai, quản lý thị trường bất động sản, nhà ở được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Cần tiếp tục "gỡ vướng" cho thị trường bất động sản
Mặc dù có tín hiệu phục hồi, nhưng theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, sự phục hồi của thị trường bất động sản đang thiếu đồng đều. Còn theo ông Hoàng Hải, thị trường bất động sản vẫn xảy ra tình trạng biến động giá cục bộ tại một số phân khúc và một số khu vực, một số loại hình, một số phân khúc bất động sản dẫn đến tác động làm giá tăng chung.
Cũng theo ông Hoàng Hải, mặc dù các luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được ban hành và có hiệu lực thi hành song vẫn còn một số hạn chế do cần có thời gian để các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành, được thực thi có kết quả, “đi vào cuộc sống”.
Trên cơ sở đó, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết thêm: Bộ Xây dựng đã và sẽ thực hiện một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới, bao gồm: Thứ nhất, tổ chức triển khai tập huấn, phổ biến để thực hiện có hiệu quả các quy định luật và các văn bản quy định chi tiết mới được ban hành đến các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Thứ hai, xem xét thí điểm mô hình trung tâm giao dịch và đăng ký bất động sản do Nhà nước quản lý như các mô hình tương tự đã thực hiện hiện hiệu quả tại một số quốc gia theo hướng đơn giản, ngắn gọn, chính xác nhất.
Thứ ba, thực hiện tốt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong điều …
Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động môi giới, kinh doanh bất động sản tại các địa phương theo hướng chặt chẽ hơn; nghiên cứu hình thành Quỹ nhà ở xã hội hoặc các định chế tài chính phù hợp với nhà ở xã hội; giao nhà ở xã hội cho doanh nghiệp nhà nước xây dựng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế; có quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với nhiều nội dung mới trong các luật hiện hành, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất, ổn định ngân sách Nhà nước trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Để tháo gỡ cho thị trường bất động sản, ông Cấn Văn Lực cũng cho biết: Bối cảnh trong và ngoài nước còn nhiều rủi ro thách thức cho việc phục hồi thị trường bất động sản như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có đột phá, không đồng đều; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như pháp lý, nghĩa vụ tài chính và chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi thiếu bên vững, một số ngành thiêu lao động...); thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản phục hồi chậm; giá bất động sản cao và tăng nhanh ở phân khúc chung cư, đất nền và 1 số địa bàn.
Từ những phân tích trên, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị, các doanh nghiệp bất động sản phải quyết tâm cơ cấu lại; đồng thời tập trung hơn vào các lĩnh vực có thế mạnh, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, nợ đáo hạn... để vượt qua khó khăn tài chính.
Bên cạnh đó, hiện nay các cơ chế chính sách đang tập trung ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào cuộc sống, các bên cần chung tay phát triển nhà ở xã hội, trong đó doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình; đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm để đưa giá bất động sản về mức hợp lý hơn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (VCCI) đã trao chứng nhận “Dự án đáng sống” cho các dự án bất động sản có không gian sống trong lành, gần gũi thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho cư dân. Đây là năm thứ 7 Dự án đáng sống được được tổ chức. Các dự án nhận được chứng nhận không chỉ thỏa mãn các điều kiện cần về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất mà còn đáp ứng các điều kiện đủ về những giá trị mà dự án mang lại cho xã hội. Đối với các doanh nghiệp, việc được bình chọn, trao chứng nhận trong chương trình “Dự án đáng sống” sẽ là một sự tôn vinh lớn để các doanh nghiệp, nhà phát triển dự án phấn đấu tốt hơn trong việc triển khai đầu tư các dự án trong tương lai. Chứng nhận cũng là động lực để các chủ đầu tư giao lưu học hỏi cải thiện và hoàn thiện mình để tạo ra những dự án ngày càng tốt hơn. |