Nhiều bất cập tại các dự án khai thác mỏ cát trắng
Tuy nhiên, hiện có một số dự án bộc lộ bất cập trong quá trình hoạt động khai thác, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân địa phương.
Cụ thể, ở huyện Phong Điền, từ nhiều năm trước, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cấp phép cho các doanh nghiệp thực hiện 5 dự án khai thác, chế biến cát trắng tại vùng cát nội đồng. Việc cấp phép khai thác cát trắng cho doanh nghiệp với tổng diện tích hàng nghìn ha trong thời gian vài chục năm gây tiềm ẩn nguy cơ sa mạc hóa, làm cạn kiệt mạch nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước sản xuất nông nghiệp.
Cơ quan chức năng kiểm tra mỏ khai thác cát của Công ty Việt Phương tại xã Phong Hiền. |
Đó là chưa kể đến tình trạng sạt lở, chôn lấp mồ mả của người dân. Như dự án khai thác cát trắng được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (gọi tắt Công ty Việt Phương) từ năm 2012 tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, với tổng diện tích hơn 400ha, trữ lượng khai thác hơn 27,7 triệu tấn. Thế nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, dự án khai thác cát trắng của Công ty Việt Phương đã làm người dân ở xã Phong Hiền rất lo lắng và bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Vinh ở thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền cho biết, trước đây Công ty Việt Phương có phương án đặt nhà máy tại khu công nghiệp Phong Điền nhưng không hiểu vì sao sau đó doanh nghiệp này lại xin đặt nhà máy bên cạnh mỏ cát.
Việc doanh nghiệp khai thác cát quá sâu đã khiến các khu vực xung quanh điểm khai thác đều bị tụt giảm mạch nước ngầm dẫn đến việc trồng trọt, chăm sóc hoa màu của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào vụ Hè Thu. Qua thống kê của chính quyền của địa phương, có khoảng 216ha đất trồng lúa và nhiều diện tích đất trồng khác của người dân bị ảnh hưởng do mạch nước ngầm tụt giảm gây thiếu nước sản xuất.
Các hộ dân ở thôn Bắc Triều Vịnh còn cho biết, ngoài tình trạng xói lở, vùi lấp cây cối, mồ mả của người dân, những đống cát chất cao còn gây nên tình trạng cát bay, cát nhảy, bụi bặm do không được đơn vị chủ đầu tư dự án che đậy. Bên cạnh đó, quá trình khai thác, Công ty Việt Phương chỉ mới thực hiện che chắn một phần dọc tuyến tỉnh lộ 11C, các khu vực khác không rào chắn.
Vào mùa mưa, các khu vực sau khai thác đều trở thành những hồ chứa nước sâu, nguy cơ tạo thành dòng chảy làm xói lở, vùi lấp các công trình và đất đai sản xuất. Vì thế qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều có đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về các vấn đề liên quan đến những bất cập do dự án khai thác cát trắng mà Công ty Việt Phương gây ra nhằm mong sớm được giải quyết.
Trước thực trạng phản ánh của người dân ở xã Phong Hiền, mới đây, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập đoàn tổ chức kiểm tra việc khai thác cát tại mỏ cát của Công ty Việt Phương. Qua kiểm tra cho thấy, hiện Công ty Việt Phương đang thi công khai thác tại 3 moong với tổng diện tích khoảng 7ha.
Tổng trữ lượng đã khai thác đến hiện nay là 373.340 tấn. 7 khu vực còn lại, công ty này chưa khai thác. Tại thời điểm kiểm tra hiện trường mỏ, doanh nghiệp đang sử dụng máy múc và có một máy bơm hút để khai thác bằng phương pháp bơm đẩy cho tầng ngập nước.
Hiện trạng giáp ranh về phía bắc khu vực đang khai thác có tập kết một phần đất tầng phủ chưa sử dụng hoàn thổ đáy moong; moong khai thác phía Bắc có vị trí sạt lở thông với hồ nước số 3 của hệ thống nhà máy Hue Premium Silica. Do đó, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Công ty Việt Phương tăng dày các biển cảnh báo an toàn tại các khu vực đã và đang khai thác; tháo dỡ hệ thống máy bơm khai thác bằng sức nước, tiến hành hoàn thổ cuốn chiếu khi kết thúc khai thác…
Trước những bất cập và hệ lụy do các dự án khai thác cát trắng gây ra, mới đây, qua quá trình rà soát, UBND huyện Phong Điền đã đề xuất các Sở ngành liên quan đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện với tổng diện tích hơn 356ha cát trắng.
Trong đó, tại khu vực cát trắng Phong Hòa 6 có diện tích 52,2ha; khu vực cát trắng Phong Hòa 4 có 40ha; khu vực cát trắng trầm Bàu Bàng, xã Phong Chương và xã Phong Bình với diện tích 87,7ha; khu vực cát trắng xã Phong Hiền diện tích 177ha.
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, qua rà soát, cơ quan chức năng của huyện phát hiện, tại phần diện tích cát trắng 52,2ha thuộc thôn Đức Phú, xã Phong Hòa có hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng nhà ở và các công trình sinh hoạt, sinh sống ổn định từ thời điểm năm 1975. Một số khu vực khác đang trồng rừng sản xuất và thực hiện mô hình kinh tế trang trại, nếu đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác sẽ ảnh hưởng việc sản xuất, ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi thực hiện các thủ tục về đất đai.
Đặc biệt, tại thôn Cao Ban - Truông Cầu - La Vần, xã Phong Hiền có phần diện tích 95ha nằm chủ yếu nằm trong các khu nghĩa trang, nghĩa địa chôn cất quá dày đặc, đã từ lâu đời, trữ lượng khoáng sản cát trắng thấp. Khu vực này nằm ở rìa xung quanh khu vực đã được cấp phép cho Công ty Việt Phương, không có khả năng khai tháckhoáng sản sau khi khai thác hoàn thành diện tích cấp phép.
Bên cạnh đó, khu vực 82ha thuộc thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền nằm trong các khu đất ruộng lúa, hoa màu, nhà ở, mặt nước chuyên dùng của người dân đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp, không có trữ lượng khoáng sản cát trắng.
Do đó, những khu vực này được UBND huyện Phong Điền đề xuất các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện nhằm tránh ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương...