Nhật Bản trở thành mục tiêu cho cuộc chiến thương mại thuế quan tiếp theo của Trump
Trong cuộc trò chuyện gần đây với tờ Wall Street Journal, ông Trump đã mô tả mối quan hệ tốt đẹp của ông với lãnh đạo Nhật Bản đồng thời cho biết thêm “điều đó sẽ chấm dứt ngay” khi Mỹ đánh thuế với Nhật Bản.
Derek Scissors - nhà kinh tế châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, một nhà tư vấn chính sách công tại Washington D.C - cho biết, nếu một hiệp định NAFTA mới được ký kết với Canada và Mexico thì những quốc gia này được miễn trừ khỏi mức thuế ô tô. Điều đó sẽ làm cho Nhật Bản – một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á - trở thành “mục tiêu số một”. Có cuộc điều tra của Mỹ về nhập khẩu ô tô trên cơ sở an ninh quốc gia, nhưng “nếu đưa Mexico, Canada và EU được ra khỏi danh sách thì Nhật Bản là mục tiêu rõ ràng của cuộc điều tra đó”- Derek khẳng định.
Mặc dù Trump có thể đề cập các chi phí khác mà ông có thể đánh vào Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng, ô tô là đối tượng có khả năng nhất bởi lẽ Mỹ “mở một cuộc điều tra về ô tô Nhật Bản và các loại xe khác, nhưng chưa thực hiện bất kỳ hành động nào”. Chính quyền Trump đã đưa ra cuộc điều tra an ninh quốc gia về nhập khẩu ô tô và xe tải từ tháng 5 theo Mục 232 của Đạo Luật mở rộng thương mại và đang đe dọa đẩy mức thuế lên tới 25% đối với ô tô và phụ tùng nhập khẩu, trên mức 25% đối với thép và 10% đối với nhôm đã được công bố. Chính quyền Mỹ vẫn đang quyết định liệu có áp đặt các biện pháp này như một phần trong nỗ lực bảo vệ các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và giảm thâm hụt thương mại hay không.
Thâm hụt thương mại của Nhật Bản là lớn thứ ba trong số tất cả các đối tác thương mại lớn của Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Mức thâm hụt thương mại 54 tỷ USD đối với ô tô và phụ tùng ô tô chiếm 3/4 con số tổng thể đó. Theo nhà kinh tế Derek Scissors, “thâm hụt thương mại có thể là nguyên nhân của hành vi không công bằng, nhưng trong trường hợp của Nhật Bản, chưa thấy chính quyền Trump nói Nhật Bản đang làm sai điều gì”. Mối đe dọa thuế quan của Mỹ cũng là công cụ để thúc đẩy Nhật Bản- chịu áp lực từ Nhà Trắng để hình thành một hiệp định thương mại song phương. Tokyo phản đối một thỏa thuận độc quyền của Mỹ và đã lên tiếng ưu tiên cho một thỏa thuận đa phương đa dạng hơn.
Mức thuế cao hơn có thể đặc biệt gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô châu Á như Toyota, Nissan và Honda, trong đó Mỹ là thị trường chính. Mức thuế có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản: Xuất khẩu ô tô là một thành phần chính của xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Stratfor cho biết, Nhật Bản có thể được cách ly ở một mức độ nào đó từ hành động thương mại của Mỹ vì có nhiều cơ sở sản xuất của Nhật Bản tại Mỹ.
Các quan chức Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán trước khi diễn ra cuộc họp dự kiến giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9.