Nhan nhản quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện: Chiêu lừa của gian thương
Chiêu trò "lùa gà"
Chỉ cần gõ từ khóa "thiết bị tiết kiệm điện" tại phần tìm kiếm trên các trang mạng xã hội hay trang mua sắm, người dùng dễ dàng tìm thấy hàng loạt sản phẩm, thiết bị có tên như: Electricity Saving Box, Energy saver… với giá từ vài chục cho đến vài trăm nghìn đồng
Với chiêu trò "hô biến" hiệu quả của những thiết bị tiết kiệm điện, các chủ shop tung ra hàng loạt clip, video, cùng với những lời lẽ có cánh như: "Thiết bị tiết kiệm điện, giảm điện tiêu thụ đến 40% hóa đơn tiền điện; Bảo hành uy tín 1 đổi 1. Bảo hành đổi mới 24 tháng; Cam kết nếu không giảm tiền điện sau 1 tháng sử dụng, hoàn tiền sử dụng nếu không hiệu quả…".
Ngoài ra, các chủ shop này còn tạo ra nhiều tài khoản mạng xã hội ảo để vào bình luận tương tác, đặt mua, đánh giá sản phẩm trong các bài quảng cáo… khiến cho nhiều khách hàng dễ dàng "sập bẫy".
Tràn lan các thông tin hình ảnh quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện trên các nền tảng mạng xã hội |
Theo khảo sát, trên trang tietkiemdiennang.net rao bán một sản phẩm tiết kiệm điện có các chữ cuối trong tên là "Saving Box", được cho biết sản xuất tại Mỹ. Thiết bị này được thiết kế nhỏ gọn và dễ dàng sử dụng, giúp tiết kiệm điện năng và giảm thiểu hóa đơn tiền điện hằng tháng. Thiết bị hoạt động bằng cách điều chỉnh dòng điện trong mạng lưới điện gia đình, tăng hiệu suất và giảm thiểu lãng phí điện năng. Sản phẩm này có thể sử dụng cho nhiều loại thiết bị điện trong gia đình như đèn, máy lạnh, máy giặt, tivi, tủ lạnh và các thiết bị điện khác. Nếu sử dụng đúng cách, sản phẩm có thể giúp tiết kiệm đến 40% điện năng tiêu thụ và giúp bảo vệ môi trường...
Liên hệ với kênh bán hàng online của trang tietkiemdiennang.net qua số điện thoại 086990**** trên mạng để hỏi mua thiết bị như quảng cáo, nhân viên cho biết, giá của thiết bị này là 520.000 đồng, bảo hành 6 tháng, có thể tiết kiệm được 30-40% lượng điện tiêu thụ. Chỉ cần cắm thiết bị vào ổ điện gần công tơ điện là có thể sử dụng được.
Trong khi đó, trang ...0dong.com cho biết, thiết bị mà họ đang bán được sản xuất và lắp ráp tại Đức. Khi sử dụng sản phẩm này có tác dụng làm giảm mức độ tiêu thụ điện của các thiết bị điện trong nhà từ 20-40% mà không làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động cũng như độ bền của các thiết bị điện trong nhà.
Để tăng thêm độ tin cậy, trang này trích dẫn lời một kỹ sư điện có kinh nghiệm 14 năm nhưng không ghi tên và nơi công tác. Theo đó, người này cho rằng đã thực nghiệm sử dụng thiết bị trên và cho thấy tiết kiệm điện được 40%.
Tin vào lời quảng cáo trên mạng xã hội, anh Nguyễn Đình Thái (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã bỏ ra 1.300.000 đồng mua combo 3 thiết bị tiết kiệm điện về sử dụng đúng như hướng của nhân viên bán hàng. Nhưng qua 1 tháng sử dụng, không những số điện và số tiền điện phải đóng không giảm mà còn tăng hơn tháng trước.
"Tôi gọi điện theo hotline trên website rao bán thiết bị tiết kiệm điện, khi trao đổi về việc gia đình mình mỗi tháng phải chi trả hơn 3 triệu đồng tiền điện, thì người này tư vấn cần mua 3 thiết bị gắn vào ổ cắm là có thể giảm được 1.000.000 - 1.300.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Nhân viên cho biết thêm, sản phẩm này được công ty phân phối độc quyền, chứ không có đại lý bán lẻ trên thị trường và cam kết rằng, "đây là hàng chuẩn 100%", anh Thái nói.
Tương tự, chị Thu Hằng (ở Đống Đa, Hà Nội) đã mua một thiết bị tiết kiệm điện được rao bán trên mạng xã hội về dùng. Theo hướng dẫn sử dụng, chỉ cần cắm thiết bị vào nguồn điện là tự động có thể tiết kiệm điện, nhưng kết quả lại khiến chị thất vọng. Lượng điện tiêu thụ của gia đình vẫn tăng đều. "Tháng đầu tưởng là tiết kiệm điện, tháng sau thậm chí tiền điện còn tăng lên. Tôi gọi điện thoại hỏi nơi bán họ vẫn khăng khăng khẳng định rằng thiết bị của họ có thể tiết kiệm điện", chị Hằng bức xúc.
Cận cảnh một thiết bị tiết kiệm điện đang "làm mưa làm gió" trên thị trường. |
Coi chừng "tiền mất tật mang"
Trước sự nở rộ của hàng loạt thiết bị tiết kiệm điện được rao bán với những quảng cáo hấp dẫn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo cảnh báo những sản phẩm trên có thể đều là chiêu lừa dành cho người tiêu dùng.
"Thực tế, các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo. Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp với Ban Kiểm tra giám sát Mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Trung thực hiện, khi mổ xẻ sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi là Electricity Saving Box, sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led.
Sau quá trình thí nghiệm, thiết bị khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ, dẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ). Như vậy, có thể hiểu thiết bị tiết kiệm điện này thực chất chỉ là một cách "quảng cáo ảo" của nhà sản xuất đưa ra để bán sản phẩm và đánh lừa khách hàng", EVN cho biết trên website chính thức.
Phân tích rõ hơn ở góc độ chuyên môn, TS. Trần Văn Thịnh - Nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.
Theo TS Thịnh, những thiết bị trôi nổi được quảng cáo này có thể làm hỏng thiết bị điện trong gia đình do làm cho dòng điện không ổn định. "Trường hợp nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cùng với đó, các thiết bị này sử dụng các tụ bù (loại tụ này dễ bị phồng rộp, chập mạch gây cháy nổ), ngoài ra có nhiều thiết bị chỉ là một bo mạch gồm các điện trở và tụ bù lắp lại với nhau với mục đích làm sáng đèn led khi cắm vào nguồn điện. Do đó, không những không làm giảm điện năng tiêu thụ mà các thiết bị này còn tốn thêm tiền điện và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.