Nhận định ngành Dầu khí 2024: Triển vọng từ các dự án thượng nguồn và điện khí LNG
Kỳ vọng giá dầu thô Brent sẽ đạt 82 USD/thùng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đội ngũ Trung tâm phân tích của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đưa ra nhận định về nhu cầu, nguồn cung và dự báo giá dầu thô trong năm 2024.
Về phía cầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Phần lớn tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu dự kiến sẽ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Mức tiêu thụ xăng dầu toàn cầu kỳ vọng sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế và mức độ sử dụng dầu mỏ của nền kinh tế toàn cầu trong hai năm sắp tới. Dự báo mức tiêu thụ xăng dầu toàn cầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày (năm 2024) và 1,2 triệu thùng/ngày (năm 2025) song cả hai mức này đều thấp hơn một chút so với mức trung bình 10 năm trước đại dịch COVID-19 (năm 2010-2019).
Về phía nguồn cung, dự báo sản lượng dầu thô của OPEC+ sẽ ước đạt trung bình 36,4 triệu thùng/ngày ( năm 2024) và 37,2 triệu thùng/ngày (năm 2025).
Sản lượng dầu mỏ khai thác hàng năm của Hoa Kỳ dự báo sẽ đạt 0,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024, 2025. Giá dầu thô dự báo sẽ làm giảm số lượng giàn khoan hiện có song những tác động này sẽ được bù đắp bằng cách tăng năng suất khai thác của các giếng khoan.
Dự báo, giá dầu Brent đạt trung bình 85 USD/thùng trong năm 2024 |
EIA đặt kỳ vọng giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình mức 82 USD/thùng (năm 2024) và 79 USD/thùng (năm 2025). Dự báo của EIA về sự thay đổi mức giá dầu thô không nhiều dựa trên những kỳ vọng cho rằng, nguồn cung và cầu dầu mỏ toàn cầu về xăng dầu sẽ được cân bằng một cách tương đối. Những biến cố xung đột leo thang tại Biển Đỏ có thể đẩy giá dầu cao hơn dự kiến.
"Giá dầu duy trì trên 80 USD/thùng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư, khai thác và kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Chúng tôi ước tính mức 60 USD/ thùng là điểm mà các doanh nghiệp đầu tư khai thác dầu khí bắt đầu có lợi nhuận", CSI nhận định.
Triển vọng từ các dự án thượng nguồn
Theo quan sát của CSI, các dự án thượng nguồn đang được đẩy nhanh tiến độ. Sau nhiều lần trì hoãn trong việc phê duyệt FID (quyết định đầu tư cuối cùng), năm 2023 Chính phủ đã có những động thái đáng chú ý trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án.
CSI kỳ vọng FID sẽ được phê duyệt trong 6 tháng đầu năm 2024. Hoạt động xây dựng sẽ được đẩy mạnh và dự án có thể kịp tiến độ đón dòng khí đầu tiên vào quý IV/2026. Lạc Đà Vàng (mỏ dầu) và Sư Tử Trắng – giai đoạn 2B (mỏ khí) là hai dự án đáng chú ý khác trong giai đoạn 2024 - 2026.
Trong tháng 11/2023, Tập đoàn Murphy Oil (Mỹ) đã phê duyệt FID cho mỏ Lạc Đà Vàng, với kế hoạch đón dòng dầu đầu tiên vào năm 2026, với trữ lượng khai thác ước tính có thể lên tới 100 triệu thùng. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét đầu tư 1,3 tỷ USD để mở rộng khai thác mỏ Sư Tử Trắng. Giai đoạn 2B sẽ kéo dài tuổi thọ của mỏ thêm hơn 20 năm và tăng nguồn khí khai thác thêm 20 tỷ m3.
Nhận định về tiềm năng các dự án thượng nguồn, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, các dự án trong nước tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thượng nguồn ngành dầu khí.
Trong nửa cuối năm 2024, MBS kỳ vọng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí sẽ phục hồi khi một số dự án thượng nguồn lớn được kỳ vọng triển khai. Đây là nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp dầu khí trong nước với tiềm năng từ hoạt động khoan, xây lắp M&C và các dịch vụ liên quan khác.
Trong số các dự án thượng nguồn sắp được triển khai, chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn là dự án có tổng mức đầu tư lớn và nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Các động thái trao thầu hạn chế để thực hiện một phần công việc trước khi có FID đã cho thấy phần nào nỗ lực đàm phán của các bên liên quan.
Một số dự án thượng nguồn đáng chú ý trong thời gian tới (nguồn: MBS) |
Các dự án thượng nguồn được triển khai tích cực với thông tin gần nhất đến từ quyết định đầu tư cuối cùng của mỏ Lạc Đà Vàng và gói EPCI#3 của Lô B – Ô Môn hứa hẹn đem lại nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp khu vực thượng nguồn dầu khí, đặc biệt là Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS).
Đối với Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), doanh nghiệp này có định hướng cho thuê các giàn khoan tự nâng tại nước ngoài đến hết năm 2024. PVD sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các dự án trên nhờ đảm nhận khối lượng công việc liên quan đến dịch vụ khoan dầu khí giai đoạn sau 2024.
Theo MBS, tác động tích cực lên ngành dầu khí còn có sự khởi sắc từ thị trường giàn khoan. Số lượng giàn khoan mới trong giai đoạn 2024 không nhiều, dẫn đến giá thuê giàn khoan tăng cao trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Hiệu suất hoạt động của các giàn khoan tự nâng tại Đông Nam Á đang đạt mức rất cao, luôn trên 90% trong 6 tháng gần đây và cao nhất kể từ năm 2021; giá thuê duy trì ổn định ở mức cao khoảng 110 nghìn USD/ngày. Mức giá thuê này sẽ tiếp tục duy trì thậm chí tăng cao vào năm 2024 khi giàn khoan ngày càng khan hiếm.
Tại thị trường trong nước, hiện có khoảng 13 cuộc đấu thầu giàn khoan nhưng hầu hết các chiến dịch khoan được đấu thầu này đều khá ngắn. Sang năm 2024, thị trường khoan được kỳ vọng sẽ sôi nổi hơn với các chiến dịch khoan bớt rời rạc hơn khi một số dự án thượng nguồn lớn được triển khai như Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng 2B và Lô B – Ô Môn.
Xu hướng dịch chuyển điện khí LNG
Theo MBS, đối với khu vực trung nguồn, triển vọng trung hạn tích cực từ xu hướng dịch chuyển điện khí LNG. Theo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất điện khí LNG sẽ là 22,400 MW tương đương 14,9% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Giá LNG sẽ có thể cạnh tranh được với giá khí trong nước ít nhất đến hết năm 2026 và duy trì dự báo giá LNG nhập khẩu năm 2024 ở mức 14 USD/mmbtu.
Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) là doanh nghiệp được hưởng lợi trong trung hạn nhờ xu hướng dịch chuyển sang điện khí LNG. Xu hướng này sẽ giúp GAS duy trì được hoạt động cung cấp khí, ngay cả khi trữ lượng khí tại các mỏ khai thác hiện tại không còn nhiều và các mỏ mới chưa kịp khai thác và đi vào hoạt động. Kho cảng LNG Thị Vải của GAS với mức đầu tư 6,5 nghìn tỷ đồng cũng đã được chính thức khánh thành vào cuối tháng 10/2023 vừa qua, sẵn sàng cung cấp LNG cho các nhà máy điện NT3 & NT4 từ năm 2025.
MBS dự đoán, giá cước vận tải dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao ít nhất đến hết năm 2024 nhờ chênh lệch cung-cầu thế giới, đồng thời có thể được hỗ trợ phần nào từ việc thay đổi hải trình bởi các xung đột địa chính trị, từ đó tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải dầu như Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT).
Ngành dầu khí sẽ có nhiều triển vọng tích cực trong năm 2024 |
Về phía hạ nguồn, MBS nhận định biên lợi nhuận lọc dầu có thể chỉ tăng nhẹ. MBS kỳ vọng crack spread (chênh lệch giá giữa một thùng dầu thô và các sản phẩm dầu hỏa được tinh chế) các sản phẩm dầu diesel và nhiên liệu bay sẽ neo cao trong năm 2024 nhờ nhu cầu du lịch tăng lên khi nền kinh tế hồi phục và El Nino dự kiến kéo dài đến hết 2024 và gây ra thiếu hụt năng lượng.