Người lao động phải được tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng
Thời điểm ILO đánh dấu một thế kỷ tồn tại cũng là lúc Việt Nam đang nhìn lại 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh VGP |
Hành trình với nhiều điểm song trùng giữa hai bên bắt đầu tại Hội nghị Hòa bình Paris vào năm 1919. Tại đó, ILO được thành lập sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bản Yêu sách của người dân Việt Nam tới các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị. Đó là bức thư nổi tiếng đòi quyền được “tự quyết”, cùng với nhiều quyền khác, trong đó có quyền “tự do hội họp”, “học tập”, và “thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp”. Bản yêu sách này đặc biệt tương đồng với Lời nói đầu của Hiến chương ILO – đòi hỏi “công nhận nguyên tắc tự do hiệp hội, tổ chức giáo dục kỹ thuật và dạy nghề”.
Công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động là những giá trị cốt lõi, sứ mệnh mà ILO các quốc gia thành viên luôn không ngừng phấn đấu.
Kể từ khi Việt Nam tái gia nhập ILO năm 1992, ILO đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động; hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới và xây dựng một đất nước hiện đại, thịnh vượng, đảm bảo việc làm thỏa đáng cho mọi người.
Ngày nay, hành trình hướng tới công bằng xã hội của Việt Nam và ILO vẫn tiếp tục giao thoa. Vào tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước cơ bản số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Việt Nam hiện cũng đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng phù hợp với Tuyên bố của ILO năm 1998 về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Công ước cơ bản số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là một tiêu chuẩn lao động quốc tế quan trọng sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới quan hệ lao động và hoàn thiện Bộ luật Lao động". Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, Việt Nam và ILO gặp nhau ở ý chí và hành động nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ dựa trên các nguyên tắc cơ bản của ILO.
Phó Tổng Giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield nhấn mạnh đến vai trò của các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động đối với Việt Nam. “Việc tuân thủ Tuyên bố năm 1998 - không chỉ về mặt luật pháp mà còn trong thực tiễn, đã trở thành nền tảng của các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Lợi ích của toàn cầu hóa và tiến lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ có thể đạt được khi việc làm thỏa đáng trở thành mục tiêu của Việt Nam” bà Deborah Greenfield nói.
Vào bối cảnh ILO chuẩn bị bước sang thế kỷ thứ hai, các thành viên của Tổ chức đã thông qua Tuyên bố Thế kỷ về Tương lai việc làm vào tháng 6/2019, kêu gọi toàn thế giới hành động để đảm bảo là mọi người đều được hưởng lợi từ thế giới việc làm đang thay đổi. Tuyên bố Thế kỷ một lần nữa khẳng định quan hệ việc làm vẫn giữ vai trò quan trọng. Tất cả người lao động cần có được sự bảo vệ mà họ cần, tăng tưởng kinh tế cần phải bền vững, bao trùm và hướng tới thúc đẩy việc làm đầy đủ và thỏa đáng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu - Ảnh VGP |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho hay: Tương lai việc làm đang mang lại những triển vọng to lớn để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế và cơ hội trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao hơn. Tuy nhiên, yêu cầu thị trường lao động đang thay đổi mạnh mẽ với những đòi hỏi còn rất khó lường. Vì vậy, người lao động phải được tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng với nhiều nghề mới xuất hiện, trong không gian việc làm rộng mở hơn.
Nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) - Đào Ngọc Dung – khẳng định: “Trong kỷ nguyên phát triển mới này, các lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và sứ mệnh của ILO vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được hiện thực hóa trong nền kinh tế thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với các nguyên tắc định hướng về phát triển bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Được biết, quan điểm này đã được khẳng định trong tuyên bố ba bên, giữa Bộ LĐTB&XH (đại diện cho Chính phủ) TLĐLĐVN (đại diện cho người lao động), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã (đại diện cho người sử dụng lao động).
Tuyên bố có đoạn: “Những tư tưởng đó vẫn tiếp tục soi sáng trên con đường Việt Nam đổi mới và hội nhập thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, đầu tư vào con người với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong tương lai việc làm, đổi mới công tác giáo dục và dạy nghề, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, chú trọng việc nâng cao năng suất và phát triển doanh nghiệp bền vững, nâng cao năng lực của các chủ thể để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.”
Tuyên bố cũng tái khẳng định: “Là một thành viên có trách nhiệm của ILO, Việt Nam cam kết tôn trọng, thúc đẩy và áp dụng những tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm những tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam.”
Giám đốc ILO Việt Nam - TS Chang-Hee Lee - hoan nghênh Tuyên bố ba bên, ông cho rằng “Vai trò của các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động đang ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”.