Thứ tư 01/01/2025 18:45

Nghệ An: Nan giải đào tạo nghề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng được cho rằng sẽ tạo ra những bước đột phá về năng suất lao động và phát triển nhân lực chất lượng cao, song đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi về trình độ và năng lực của người lao động để đáp ứng yêu cầu. 
Cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo

Ở Nghệ An, đào tạo nghề theo công nghiệp 4.0 được xem là khó, bởi tỉnh vốn có những hạn chế tồn tại nhiều năm qua đối với công tác đào tạo nghề. Chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật của một số ngành nghề còn thấp, thiếu tính thực tiễn, thiếu định hướng, dự báo và chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều lao động khi tiếp nhận vào làm việc doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu vị trí, việc làm.

Trong hoàn cảnh này, việc chuyển đổi đào tạo ở các trường nghề là điều tất yếu. Theo đó, thay vì đào tạo theo truyền thống, đơn giản, máy móc các trường phải từng bước chuyển hướng tiếp cận đào tạo theo xu hướng hiện đại, tự động hóa (dựa trên sự kết hợp giữa các công nghệ) và đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tiễn sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không hề dễ dàng.

Thượng tá Nguyễn Đình Đồng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng số 4 (Bộ Quốc phòng) - cho biết: Việc đào tạo nghề theo hướng công nghiệp 4.0 đã được nhà trường xác định trong vài năm trở lại đây và đang từng bước được điều chỉnh. Tuy vậy, để đáp ứng được yêu cầu còn rất nhiều khó khăn khi mà hệ thống trang thiết bị, nhân lực con người vẫn còn nhiều hạn chế. Còn theo ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc - khó khăn tập trung nhiều hơn ở những trường trung cấp, đào tạo nghề có quy mô nhỏ. Ông Phạm Xuân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc - cho rằng: Một trong những yêu cầu quan trọng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đó là đổi mới về công nghệ. Nhưng trong điều kiện hiện nay, khi mà việc mua sắm cơ sở vật chất đang chủ yếu dựa vào nội lực của các nhà trường thì đây là điều "không tưởng". "Với chi phí để mua sắm trang thiết bị chỉ khoảng 100.000.000 đồng/năm, hiện tại, cơ sở vật chất của nhà trường chỉ mới đáp ứng được công nghiệp 2.0" - ông Hồng chia sẻ.

Không chỉ vậy, việc đào tạo nghề thiếu thực tế khiến Nghệ An còn đứng trước nguy cơ khủng hoảng "thừa". Hiện ngành công nghệ ôtô đang trở thành ngành "hot" trong vài năm trở lại đây và cũng chính là ngành nghề chủ đạo của nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn.

Trong tổng số gần 10.000 chỉ tiêu nghề của năm 2017 mà UBND tỉnh giao cho các trường (bao gồm hệ cao đẳng, trung cấp) thì đã có hơn 700 chỉ tiêu dành cho ngành công nghệ nghệ ôtô. Tuy số lượng chưa phải là nhiều, nhưng con số này, nếu tính đầu ra của một năm học thì áp lực sẽ không nhỏ khi hiện tại nhu cầu về sử dụng lao động trong ngành công nghệ ôtô đang ngày một bão hòa và chủ yếu là các cơ sở sửa chữa nhỏ.

Nhìn vào chỉ tiêu đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề của Nghệ An cho thấy, ngành "hot" chiếm đại đa số - như một số ngành nghề hàn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện dân dụng, điện công nghiệp… Về khách quan, đây là những ngành đang có nhu cầu sử dụng lao động khá nhiều trong thời điểm này. Tuy nhiên, nếu các trường cứ đua nhau đào tạo mà không tính đến đầu ra trong vài năm tới thì tình trạng "thừa" lao động kỹ thuật là điều dễ hiểu.

Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Đào tạo nghề