Ngành Công Thương: Không chấp nhận phương thức tăng trưởng thiếu tính bền vững
Phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường
Ngày 28/12, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “An toàn môi trường - Giá trị cốt lõi phát triển bền vững của doanh nghiệp”.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường |
Phát triển kinh tế gắn với BVMT là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tại Việt Nam, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và BVMT được Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhận thức rõ vấn đề, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) ngày càng quan tâm đến công tác BVMT. Đây là cách DN thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội, cũng như góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo dựng niềm tin với khách hàng.
DN ngành Công Thương với đặc thù sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại - những lĩnh vực quan trọng của đất nước song cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn qua, toàn ngành đã nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng về DN và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng quan tâm đến công tác BVMT và phát triển bền vững, trên quan điểm lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – cho biết: Trên quan điểm BVMT gắn với phát triển bền vững, những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai nhiều kế hoạch cấp quốc gia như: Quyết định số 1375/QĐ-TTg về Kế hoạch BVMT ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 192/QĐ-TTg về phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025…
Bảo vệ môi trường - Giá trị cốt lõi để phát triển bền vững
Nói về cơ hội và thách thức của hoạt động BVMT, ông Hoàng Văn Vi – Phó Cục trưởng Cục BVMT miền Bắc - nhấn mạnh, đất nước đang trong quá trình phát triển và hội nhập sâu rộng, BVMT là cơ hội tốt để hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT; tạo điều kiện áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường vào sản xuất; đảm bảo nguồn lực tài chính đối với các hoạt động BVMT; kiểm soát chặt chẽ những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, giảm nhiều thủ tục hành chính…
Để cụ thể hóa những vấn đề này, tại Điều 142 về kinh tế tuần hoàn của Luật BVMT năm 2020 sửa đổi (sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022), đã đặt ra yêu cầu đối với DN phải triển khai các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải trong suốt vòng đời dự án từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối và tiêu dụng…
Ông Hoàng Văn Vi cho hay, những quy định này là cần thiết, nhằm hướng DN phát triển theo hướng tăng xưởng xanh và phát triển bền vững; đồng thời ông cũng phân tích, với quy định tái chế chất thải, bao bì, sản phẩm sản xuất, nhập khẩu, không chỉ giúp tận dụng tối đa giá trị của chất thải mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nghèo ở nông thôn, vùng sâu; từng bước hình thành và phát triển mạnh công nghiệp tái chế… Tuy nhiên, quy định này cũng gia tăng cơ sở tái chế nhỏ lẻ tại các làng nghề, gây khó khăn cho kiểm soát ô nhiễm và gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với DN sản xuất, nhập khẩu bao bì, sản phẩm chưa thuyết phục và thiếu khả thi hoặc không thể thực hiện được. Do vậy, quy định này trong Luật BVMT 2020 sửa đổi còn gây ra những tranh cãi chưa thống nhất.
Trình bày về giải pháp phục hồi ắc quy chì-axit, giảm ô nhiễm môi trường, đại diện Công ty Cổ phần tái tạo ắc quy Việt Nam - BRI Vietnam cho biết, thực tế, ắc quy chì-axit là một trong những sản phẩm khó thu hồi nhất hiện nay. Đại diện công ty cũng đã thẳng thắn thừa nhận, ắc quy chì phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc xử lý ắc quy chì đã có quy định của pháp luật nhưng hầu như không được tuân thủ đầy đủ. Hơn thế, việc mua bán ắc quy cũ trôi nổi trên thị trường diễn ra không theo quy định của pháp luật; tập trung hầu hết tại các làng nghề, với việc phá dỡ tách lấy chì và nhựa. Với cách xử lý đơn giải như vậy đã gây ô nhiễm chì và axit cho nơi phá dỡ.
Vì vậy, giải pháp công ty đưa ra là sử dụng máy phục hồi với công nghệ tiên tiến kết hợp phụ gia đặc chế. Phụ gia này 100% thành phần hữu cơ, được tạo một lớp màng mỏng dẫn điện phủ lên tấm cực, giúp làm sạch các tinh thể và kéo dài tuổi thọ tấm cực, làm tan các lớp cặn lắng, giúp phục hồi chất lượng axit cũng như đảm bảo sạc đầy, độ dẫn điện tốt cho ắc quy… Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm tác động tới môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung phân tích những cơ hội, thách thức của DN trong hoạt động BVMT, kiến nghị về hoàn thiện chính sách pháp luật, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững... cũng như giới thiệu một số giải pháp tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải.
“Hội thảo lần này tiếp tục nhằm mục đích nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động BVMT nói chung và BVMT gắn với phát triển bền vững ngành Công Thương nói riêng”, ông Tô Xuân Bảo nhấn mạnh.