Nâng cao kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho người khuyết tật
Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 54%. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều phụ nữ khuyết tật không có thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống và gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những phụ nữ khuyết tật năng động, nắm bắt công nghệ số để chuyển đổi kinh doanh online và đã thành công.
Rất đông học viên là phụ nữ khuyết tật tham dự buổi tập huấn |
Tại buổi tập huấn, ông Vũ Hòa – Chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp, thành viên mạng lưới các nhà tư vấn khởi nghiệp quốc gia – chia sẻ một số mô hình kinh doanh trực tuyến đã thành công của người khuyết tật như, như: Mô hình chuỗi “Giặt là sáng” (tiệm giặt là người điếc) của chị Thúy. Được thành lập năm 2021, đến nay chuỗi kinh doanh này đã có 2 cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội, thậm chí còn nhượn quyền 1 cửa hàng kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh. Chủ kinh doanh mô hình sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ, hợp tác với người khuyết tật để cùng phát triển.
Hay mô hình Hợp tác xã nông nghiệp Tâm Ngọc được thành lập năm 2020 gồm 26 thành viên đều là người khuyết tật. Hiện, hợp tác xã đã có sản phẩm thảo dược túi nhúng “Liên hoa trà” và “Như hoa trà” đạt OCOP 4 sao.
Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng Hợp tác xã nông nghiệp Tâm Ngọc đã kinh doanh có lãi và đạt giải thưởng cánh én bạc (cuộc thi khởi nghiệp do phụ nữ TP. Hà Nội tổ chức năm 2022). Hợp tác xã cũng có nhu cầu kết nối, sẵn sáng chia sẻ giúp đỡ, hợp tác với người khuyết tật để cùng phát triển.
Những câu chuyện nêu trên là tấm gương điển hình để các chị em, đặc biệt những người khuyết tật tự tin hơn, dám nghĩ, dám làm để vươn lên.
Tuy nhiên, trong bài thuyết trình của mình, ông Hòa cũng lưu ý tới học viên, để khởi nghiệp tạo sinh kế thành công thì cần tìm hiểu nhu cầu thị trường; xác định khả năng đáp ứng nhu cầu đó; có kiến thức về lĩnh vực để đáp ứng được nhu cầu; có sự đam mê; xác định thị trường mục tiêu; chuẩn bị nguồn lực như tài chính, đất đai, nhân sự; đặc biệt trong kế hoạch kinh doanh càng chi tiết càng tốt…
Các sai lầm học viên cần tránh, đó là: Khởi nghiệp khi chưa đủ “chín”, bao gồm các kỹ năng cơ bản như marketing, bán hàng, tổ chức vận hành, lãnh đạo, đối ngoại…; khởi nghiệp một mình; chọn sản phẩm/dịch vụ không phù hợp; chưa nghiên cứu kỹ thị trường; hợp tác liên kết lỏng lẻo, không rõ ràng; không cân đối được thu chi…
Trong buổi chiều cùng ngày, chuyên gia marketing Nguyễn Huy Hoàng cũng sẽ có bài trình bày với chủ đề: “Giới thiệu về marketing điện tử, các kênh marketing điện tử phổ biến mà doanh nghiệp có thể áp dụng để thúc đẩy quảng cáo và phát triển kinh doanh hiện nay”; “Hành trình trải nghiệm khách hàng và cách chinh phục khách hàng bằng những điểm chạm”; “ứng dụng công nghệ để sáng tạo nội dung”…
Khóa học nhằm cung cấp thêm cho người học kiến thức về kinh doanh online cũng như sử dụng facebook, cách mở 1 gian hàng điện tử...; nắm được các kênh marketing điện tử phổ biến doanh nghiệp có thể áp dụng để thúc đẩy quảng cáo và phát triển; xây dựng nội dung phát triển kinh doanh online; cách quản lý và chỉnh sửa giao diện khi livestream...
Chuyên gia hy vọng, thông qua chương trình tập huấn, học viên có thể vận dụng sáng tạo kiến thức, kỹ năng để tiếp tục phát triển cũng như áp dụng, triển khai hiệu quả vào thực tiễn kinh doanh.
Nhân dịp này, nhiều chị em cũng đã mạnh dạn chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, tạo dựng ý tưởng, xây dựng kế hoạch... nhằm mang lại cơ hội bình đẳng, phát huy khả năng của phụ nữ khuyết tật trong khởi nghiệp, sáng tạo.