Thứ bảy 16/11/2024 05:12

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chế biến và thương mại lâm sản

Ngành chế biến lâm sản đang hướng tới những mục tiêu ở tầm cao mới, để “rừng là vàng” theo đúng nghĩa. Nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro, tái cấu trúc ngành trong tương lai giúp ngành này phát triển bền vững. Để làm được điều này, sự kết nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò tiên quyết.

Ngày 1/9, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã ký kết Quy chế trao đổi thông tin, cơ chế phối hợp trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Theo đó, 2 bên sẽ tập trung xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, đề án, dự án trong công tác chế biến và thương mại lâm sản, Bên cạnh đó, phối hợp phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Trong công tác quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững, 2 bên sẽ xây dựng và phát triển Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và Tiêu chuẩn quản lý chuỗi hành trình sản phẩm Việt Nam; triển khai thực hiện một số nhiệm vụ của văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia….

Hợp tác nâng cao hiệu quả phối hợp chế biến và thương mại lâm sản

Quy chế bao trùm toàn bộ các khía cạnh đang có sự phát triển năng động nhất, và cũng bao gồm các khía cạnh hiện đang có nhiều rủi ro nhất, đòi hỏi cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách có sự quan tâm đặc biệt.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - chia sẻ, ngành chế biến gỗ xuất khẩu là một trong những ngành năng động nhất, thể hiện qua chỉ số kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng trưởng hàng năm. Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi lớn, đặc biệt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng song hành những rủi ro về gian lận thương mại. Ngoài ra, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài những khó khăn cũng tạo cơ hội cho ngành tái cơ cấu ứng phó với tình hình mới.

Sự năng động và đặc biệt sự phát triển bền vững của ngành phụ thuộc hoàn toàn vào việc nắm bắt các cơ hội mới và giảm thiểu các rủi ro, và tái cấu trúc ngành theo hướng này trong tương lai. Để làm được điều này, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, sự kết nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò tiên quyết. Kết nối hiệu quả đòi hỏi việc thiết lập các kênh thông tin 2 chiều, từ các cơ quan ban hành và thực thi chính sách tới cộng đồng doanh nghiệp và ngược lại. “Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam là một trong những bước đột phá trong việc hình thành các kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý lâm nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh ngành gỗ đang có nhiều thay đổi”, ông Đỗ Xuân Lập nói.

Tính đến nay, cả nước có 5.650 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ, lâm sản. Trong đó, có 4.550 doanh nghiệp chế biến sản phẩm đồ gỗ; tham gia xuất khẩu là 2.392 doanh nghiệp, chiếm 42% tổng số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản cả nước. 8 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp.

Với con số trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ vùng nguyên liệu, hình thành được hệ thống doanh nghiệp dân tộc đủ sức cho ngành kinh tế lâm nghiệp chế biến sâu phục vụ hội nhập và hiệu quả. Việc ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hiện nay khi ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang hướng đến những mục tiêu ở tầm cao mới. “Đây là dịp để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và chiến lược phát triển và các chương trình Đề án thời gian tới cho phát triển rừng, ngành lâm nghiệp bền vững ở cả 3 khu vực gồm: Chính phủ, các Bộ ngành; các Hiệp hội ngành hàng; các doanh nghiệp và người dân. 3 khu vực này cùng đồng hành để hướng đến mục tiêu cao hơn để “rừng là vàng” theo đúng nghĩa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Ngành chế biến lâm sản đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD trong năm 2020 và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Trường Đại học Kinh tế quốc dân trở thành Đại học thứ 9 của Việt Nam

Hà Nội: Cháy lớn kèm tiếng nổ tại xưởng bao bì trên địa bàn huyện Hoài Đức, khói đen mù mịt

Nối dài hành trình ‘Một tỷ cây xanh - Vì Việt Nam xanh’

Công tác phối hợp kiểm toán ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả

Bắt người mẫu An Tây, ca sĩ Chi Dân: Lời xin lỗi muộn màng và bài học đắt giá cho nghệ sĩ

Sắp có bệnh viện tiêu chuẩn Nhật Bản tại Hà Nội?

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ

Vẫn còn 41,8% số công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động kém bền vững

Phong Nha - Quảng Bình: Voọc xuống đường tấn công người dân

Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới

Bàn giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp mỏ và năng lượng

Tin cuối cùng về bão số 8

Thu hồi giải thưởng 'Thanh niên sống đẹp' với Nguyễn Đỗ Trúc Phương

Hà Nội: Cháy lớn kèm tiếng nổ tại huyện Đông Anh, cột khói cuồn cuộn

Nhân sự 14/11: Bộ Giao thông Vận tải điều động Vụ trưởng; Ninh Bình, Trà Vinh bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 15/11/2024: Thời tiết đẹp cho cả 3 miền

Dự báo thời tiết biển hôm nay 15/11/2024: Có gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Dự báo thời tiết: Tin bão gần biển Đông - Bão USAGI

Hà Nội: Thu hồi thuốc viên nén Prednisolon 5mg vì vi phạm chất lượng sản phẩm

Ông Trần Văn Khương giữ chức Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên