Chủ nhật 24/11/2024 19:00

Năm học mới: Đến hẹn… lại lo thiếu giáo viên

Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương, tập trung nhiều ở các môn học như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Thầy cô bị áp lực lớn do phải dạy tăng giờ

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 toàn ngành giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 19/8, nhiều địa phương đã chia sẻ khó khăn, vướng mắc khi triển khai nhiệm vụ năm học khi đội ngũ giáo viên thiếu khá nhiều so với định mức quy định.

Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - cho biết, địa phương đang thiếu nhiều giáo viên so với định mức quy định. Cụ thể, tỉnh đang thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình mới. Đội ngũ có biến động khá lớn mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi. “Thiếu giáo viên đã gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường” - ông Bằng nói.

Từ thực trạng trên, tỉnh Điện Biên đề nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Đồng thời, áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn như: Tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa.

Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 toàn ngành giáo dục

Tình trạng thiếu giáo viên, trong đó thiếu giáo viên các môn đặc thù không chỉ ở vùng khó khăn, mà xảy ra cả ở các vùng thuận lợi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, với điều kiện mặt bằng lương trung bình của TP. Hồ Chí Minh hiện nay, mức lương chi trả cho giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc quá thấp nên khó thu hút người vào ngành sư phạm. Trong khi thành phố không thể đề xuất HĐND có cơ chế đặc thù tương tự như áp dụng với giáo viên mầm non.

Từ đó, bà Thúy kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế đặc thù, tuyển dụng giáo viên một số môn học đặc thù.

Tương tự, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho hay, năm học 2023 - 2024, quy mô giáo dục của Thủ đô tiếp tục tăng, trong đó tăng 39 trường và 48.000 học sinh.

Quy mô giáo dục hàng năm tiếp tục tăng. So với yêu cầu nhiệm vụ và định mức biên chế thì số biên chế còn thiếu. Vì thế, bà Hà kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ có rà soát để đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt là ở một số môn học như Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học.

Mặt khác, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các bộ ngành; hơn một triệu sinh viên cùng các cơ sở giáo dục của nước ngoài. Vì thế, bà Hà kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành chỉ đạo rõ hơn về trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục này để phù hợp với tình hình thực tế.

Tính đến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung

Cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022 - 2026 cho ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, tính đến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguyên nhân chủ yếu theo Bộ Giáo dục và Đào tạo là do sức hút vào ngành còn hạn chế. Tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao, nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu. Việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.

Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật;…

Theo GS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vấn đề được coi là điểm nghẽn cơ bản nhất của giáo dục hiện nay cần giải quyết là chất lượng đội ngũ giáo viên. Thế hệ giáo viên hiện nay đang ở độ tuổi gen Y, còn gen X rất ít. Thế hệ gen Y khoảng sinh từ năm 1981 - 1996 đã bắt đầu tiếp thu khoa học công nghệ rất tốt. Họ bắt đầu bứt phá lên, dám đổi mới chứ không như lứa gen X (1965 - 1980).

“Thế hệ học sinh chúng ta đang đào tạo là thế hệ gen Z. Những thế hệ này ‘tắm’ mình trong công nghệ. Vậy đội ngũ giáo viên phải nắm bắt các đặc điểm của thế hệ học sinh này để nâng cao chất lượng. Nhưng chất lượng đội ngũ của giáo viên của chúng ta vẫn là điểm nghẽn rất lớn. Cần phải đánh giá học sinh của chúng ta là ai, đang ở đâu, để giáo viên cũng phải ‘đắm mình’ trong công nghệ, phù hợp đối tượng mà chúng ta giảng dạy” - bà Doan nói.

Điểm nghẽn nữa, theo bà Doan là đời sống giáo viên còn khó khăn. Vì đời sống còn khó khăn nên giáo viên không có nhiều thời gian cho đọc và tự học. “Thử hỏi rằng, giáo viên đã dành bao nhiêu thời gian để đọc, tự học và nâng cao trình độ? Trong khi đọc và tự học mới nên vấn đề” - bà Doan đặt câu hỏi, đồng thời cho biết, trong bối cảnh số hóa nhưng sổ sách, báo cáo hiện vẫn là những điều mất thời gian của giáo viên.

Để chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam tốt hơn, Chủ tịch Hội Khuyến học việt Nam nhấn mạnh, cần kích đẩy chất lượng giáo dục. “Muốn kích đẩy, phải nâng cao chất lượng đội ngũ vì người thầy là “chìa khóa”. Đây là bài toán rất khó, lâu dài và đòi hỏi các cấp, các ngành, tất cả các tỉnh thành đều phải vào cuộc” - bà Doan khẳng định.

Chia sẻ về hướng khắc phục cho việc thiếu giáo viên tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, hiện trường đã mở ngành và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này góp phần cung cấp giáo viên cho các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn về thừa thiếu giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, quá trình đào tạo cũng cần có thời gian mới có thể cung cấp nguồn tuyển cho các địa phương.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên theo hướng linh hoạt, sát thực tiễn” - ông Sơn Kiến nghị.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Cháy lớn thiêu rụi nhà xưởng tại khu công nghiệp Tràng Duệ

Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã từ trần

Nhân sự địa phương: Nghệ An có tân Chủ tịch HĐND; Ban Bí thư chuẩn y lãnh đạo nhiều tỉnh, thành

Dự báo thời tiết biển hôm nay 24/11/2024: Có mưa rào và dông rải rác trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 24/11/2024: Các tỉnh miền Bắc trời trở lạnh

Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho hai phi công vụ máy bay Yak-130 rơi

Sôi động thị trường lao động tại các khu công nghiệp dịp cuối năm

Khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát: Thực hiện giấc mơ an cư cho người nghèo

Khói lửa bốc cháy dữ dội bao trùm 1.000 m2 công ty gỗ ở Bình Dương

Ngành Thanh tra: Phát huy truyền thống, không ngừng phát triển

Nhân sự 22/11: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thay nhân sự chủ chốt; Bình Phước có tân nữ Bí thư Tỉnh

Dự báo thời tiết biển hôm nay 23/11/2024: Có gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 23/11/2024: Bắc Bộ nhiệt độ hạ thấp, Nam Bộ ngày nắng

Mức hỗ trợ người có công xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở

Viettel tuyển thẳng 101 tài năng công nghệ từ hơn 3.000 hồ sơ ứng tuyển

Chạy thử nghiệm 3 làn thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài

Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn

Liên đoàn Lao động 5 tỉnh đồng bằng sông Hồng bổ sung hơn 2.400 thỏa ước lao động tập thể

Hội thảo khoa học quốc gia ‘Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh'

Tăng 650.000 ghế, hàng không Việt Nam vẫn lo thiếu chỗ dịp Tết