Mạnh tay dẹp sách lậu
Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở in sách lậu |
Câu chuyện in lậu sách không mới, giống như “làn sóng ngầm” trên thị trường nhiều năm qua. Thời gian qua, nhiều cơ sở in ấn sách lậu trên địa bàn TP. Hà Nội đã bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng chục tấn sách giáo khoa lậu, trị giá hàng tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 9/8, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm các quy định về in ấn tại khu công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Trước đó, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở in ấn của một công ty đặt trụ sở tại phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hành vi in ấn trái phép 10.000 bộ sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 dưới dạng bán thành phẩm.
Đáng lo ngại, sách được in lậu với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, nhà xuất bản (NXB), bạn đọc và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chưa có con số thống kê cụ thể về mức thiệt hại được đưa ra từ cơ quan chức năng nhưng theo ước tính của giới kinh doanh sách, thiệt hại do sách lậu gây ra mỗi năm đến hàng chục tỷ đồng.
Ông Vũ Bá Khánh - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (NXB Giáo dục Việt Nam) - cho rằng: Giải pháp chống in lậu hữu hiệu nhất của NXB là sử dụng tem chống giả. Nhiều vụ làm sách giả đã được phát hiện nhờ tem chống giả này. Tuy nhiên, tem chống giả vẫn bị làm giả. Trên thực tế, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được, đâu là sách thật, sách giả dù có tem chống giả. Việc này ảnh hưởng đến uy tín của các NXB, thậm chí, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là đối với sách tiếng Anh, sách có bản quyền của đối tác.
Cũng theo ông Vũ Bá Khánh, để ngăn chặn tình trạng in ấn, kinh doanh sách lậu, cơ quan chức năng cần chặt chẽ từ khâu cấp phép in ấn đến kiểm tra, phát hành. Đồng thời, đưa ra nhiều hình thức xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể truy cứu hình sự. Bên cạnh đó, độc giả cũng nên tẩy chay sách lậu bằng cách tìm mua sách ở những nhà sách, hiệu sách có uy tín...
Nhiều ý kiến cho rằng, khung hình phạt với các vi phạm về in ấn (tối đa 30 triệu đồng) là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Trong khi đó, in sách lậu có thể kiếm lợi hàng tỷ đồng. Do đó, nhiều cơ sở vi phạm sẵn sàng nộp phạt, sau đó lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.
Ngoài chế tài xử lý chưa mạnh, cũng phải thẳng thắn chỉ ra một thực tế là công tác phối hợp chống in lậu giữa các ngành, lực lượng chức năng còn chưa tốt, chưa thường xuyên, kịp thời. Thêm nữa, việc phối hợp giữa các địa phương trong công tác chống in lậu cũng chưa hiệu quả…
Nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh, in sách lậu, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, phải tạo sự kết nối với các đơn vị làm sách, NXB cùng chung tay, góp sức đấu tranh. |