Lập biên bản phụ huynh không cho con tiêm phòng vắc xin Covid-19 là thiếu căn cứ
Ngành y tế tỉnh chưa có văn bản bắt buộc các địa phương phải tiêm vắc xin Covid-19
Theo thông tin từ cơ quan chức năng TP. Móng Cái (Quảng Ninh), trước tình hình số ca mắc mới từ đầu tháng 8 có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng phối hợp triển khai giải pháp phòng, chống dịch.
Cụ thể là tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và phấn đấu hoàn thành trước khai giảng năm học mới (5/9). Cùng với đó, các địa phương hoàn thành sớm việc tiêm mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trước khi năm học mới 2022-2023, địa phương tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng /chu-de/vac-xin-covid-19.topic cho trẻ em thuộc các độ tuổi. Tuy nhiên, theo cơ quan này, vẫn có một số trường hợp phụ huynh không cho con em mình đi tiêm chủng đầy đủ.
Theo đó, ngày 4/9, UBND phường Trần Phú, TP. Móng Cái đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế đối với một công dân trú trên địa bàn về hành vi không cho con tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Biên bản vi phạm hành chính của UBND phường Trần Phú với ông K. |
Cụ thể, theo biên bản TP.Móng Cái cung cấp, người vi phạm là ông K. (SN 1984, ở khu 2, phường Trần Phú). Ông K. được xác định đã có hành vi không thực hiện hoặc cản trở trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Biên bản cũng nêu rõ, lý do người vi phạm đưa ra là do không đồng ý cho con tiêm phòng /chu-de/vac-xin-covid-19.topic. Tuy nhiên, người bị lập biên bản vi phạm hành chính đã không ký biên bản vì cho rằng bản thân không vi phạm.
Ngay sau khi thông tin về sự việc nêu trên được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử TP.Móng Cái, nhiều ý kiến độc giả đã nêu băn khoăn về vấn đề này.
Bạn Nguyễn Trà My cho hay, khi đi tiêm phòng Covid-19, cán bộ y tế còn đưa ra giấy cam kết có tiêm hay không tiêm? Vậy thì tiêm phòng Covid-19 là tự nguyện chứ không phải là bắt buộc được. Theo đó, người dân cần được vận động, tuyên truyền để họ tự nguyện cho con mình đi tiêm. Vì nếu "ép", nhỡ có vấn đề xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm thay gia đình? Hơn nữa, nếu vì lý do không tiêm mà phê bình các em học sinh này sẽ vô tình tạo sự kỳ thị, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các em.
Độc giả Thái Thùy Linh cũng bày tỏ: “Điều cần làm rõ là, TP.Móng Cái lập biên bản vi phạm phụ huynh vì "không thực hiện hoặc cản trở việc tiêm vắc xin, sinh phẩm y tế bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng". Vậy câu hỏi đặt ra là, vắc xin phòng Covid-19 có nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng? Trong khi, tra danh mục của Bộ Y tế thì không thấy vắc xin phòng Covid-19 thuộc danh mục vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng. Vậy TP.Móng Cái lấy căn cứ nào để lập biên bản ép buộc người dân cam kết?".
Chia sẻ với báo chí về việc này, một lãnh đạo TP. Móng Cái khẳng định, chưa ra quyết định xử phạt mà mới có biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế của UBND phường Trần Phú đối với phụ huynh không cho con tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19.
"Việc lập biên bản vi phạm hành chính và việc xử phạt là hai khái niệm khác nhau. Lập biên bản vi phạm hành chính là để ghi lại hiện trạng, hành vi và cam kết của người dân. Từ biên bản chuyển thành xử phạt là một trạng thái khác" - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Theo đó, chính quyền lập biên bản và gia đình phải hứa cam kết, sau này các cháu có bị Covid-19 là trách nhiệm của gia đình chứ không phải là trách nhiệm của chính quyền nữa. Đây là kỉ luật kỉ cương xã hội. Tất cả các gia đình đưa con đi tiêm mà một số gia đình không cho các cháu đi tiêm là thiếu trách nhiệm với xã hội.
"Mục tiêu cao nhất là sức khoẻ các con và nhận thức của bố mẹ; bố mẹ muốn bảo vệ các con thì biện pháp tốt nhất là tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Hiện tại các cháu vào năm học mới, mỗi lớp khoảng 40 cháu ở trong không gian điều hoà, đóng cửa kín, chỉ cần 1 cháu nhiễm Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thành phố làm tất cả vì học sinh thân yêu và đó chỉ là giải pháp nhằm đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ khai giảng năm học mới", lãnh đạo TP.Móng Cái thông tin.
Thông tin thêm, một lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho hay, việc tiêm vắc xin cho học sinh phải xin ý kiến cha mẹ, người giám hộ của trẻ và không được phép ép buộc. Từ trước đến nay, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh chưa có văn bản hoặc chỉ đạo bắt buộc các địa phương phải tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ. Thay vào đó, địa phương chỉ tuyên truyền, động viên, hướng dẫn đến người dân và cha mẹ học sinh hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Không nên áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc
Thực tế, hiệu quả của việc tiêm ngừa Covid-19 là không thể phủ nhận, dù có trường hợp người đã tiêm vắc xin vẫn nhiễm bệnh và làm lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đến thời điểm này, chủ trương nhất quán của Nhà nước về tiêm vắc xin Covid-19 là dựa trên sự tự nguyện của người dân. Do đó, một khi chủ trương của Nhà nước chưa thay đổi, luật chưa có quy định bắt buộc phải tiêm ngừa Covid-19 thì việc xử phạt người dân với bất kỳ hình thức nào cũng thiếu thuyết phục.
Chia sẻ cụ thể về trường hợp này, luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay dịch Covid-19 đã dần ổn định, Chính phủ đã đề ra các chính sách để nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trên thực tế, cơ quan chức năng vẫn khuyến khích người dân tiêm phòng vắc xin Covid-19 để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là nhanh chóng triển khai việc tiêm chủng cho trẻ từ dưới 18 tuổi.
Vắc xin Covid-19 không phải là loại bắt buộc tiêm chủng, việc tiêm phòng được thực hiện theo cơ chế khuyến khích, vận động người dân. Do đó, cơ quan nhà nước không thể ép buộc người dân phải tiêm phòng. |
Trong thời điểm học sinh trở lại trường học để bắt đầu năm học mới như hiện nay, thì việc lo lắng cho tình hình sức khỏe cộng đồng của các cơ quan chức năng TP.Móng Cái không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên, vắc xin chỉ là để phòng bệnh chứ không phải là biện pháp duy nhất, việc áp dụng các quy định để phòng chống Covid 19 phải thể hiện được sự linh hoạt, tùy từng trường hợp, địa phương cụ thể để đưa ra phương án phù hợp.
Bên cạnh đó, nhà nước luôn khuyến khích việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ một cách sáng tạo nhưng không thể trái với pháp luật và trái chỉ đạo của Chính phủ. Việc áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, gò bó, không quy định rõ ràng sẽ dẫn tới nhiều quan điểm trái chiều, không nhận được sự đồng tình của người dân.
Luật sư Tiền cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29 tháng 01 năm 2020, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra đã được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Tuy nhiên, vắc xin Covid-19 chưa được cập nhật vào Danh mục bệnh truyền nhiễm và các loại vaccine bắt buộc phải tiêm chủng theo Thông tư 38/2017/TT-BYT. Do đó, việc tiêm vắc xin Covid-19 là không bắt buộc, mang yếu tố vận động kết hợp tự nguyện để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Mặc dù vậy, chính sách tiêm vắc xin Covid-19 có thể thay đổi tùy vào tình hình dịch bệnh tại từng địa phương. Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Do đó, nếu địa phương đang được xác định là vùng có dịch thì người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vắc xin Covid-19.
Bên cạnh đó, nếu Thông tư 38/2017/TT-BYT bổ sung vắc xin Covid-19 vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thì việc từ chối tiêm vắc xin có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 9 Văn bản hợp nhất 01/2022/VNHN-BYT.
Trong vụ việc xảy ra tại TP. Móng Cái, luật sư Tiền nhấn mạnh, tính đến thời điểm hiện tại, TP. Móng Cái chưa được xem là vùng dịch nên việc áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Văn bản hợp nhất 01/2022/VBHN-BYT lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế để xử phạt người dân đối với hành vi không đồng ý cho con tiêm chủng trong trường hợp này là không đúng, thiếu căn cứ.
"Biên bản vi phạm hành chính sẽ là căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính. Trong khi, loại vaccine này không phải là loại bắt buộc tiêm chủng, việc tiêm phòng được thực hiện theo cơ chế khuyến khích, vận động người dân." - ông Tiền cho biết.
Luật sư Tiền nhấn mạnh, thay vì áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, hành chính hóa việc tiêm chủng một cách máy móc, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19. Trước là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân, sau là để bảo đảm an toàn cho cả cộng đồng. Nếu việc người dân không tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm có thể sẽ dẫn đến hậu quả gia đình có người mắc Covid -19 hoặc làm lây lan dịch bệnh thì họ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.