Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Hồi ức vị tướng già
Hồi ức của ông về thời điểm diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên?
Vào thời điểm trên, tôi là Trung đội trưởng Trung đội Hà Huy Tập thuộc Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu, nói theo danh từ bây giờ là bộ đội địa phương của thành Hà Nội. Đội do Thành ủy Hà Nội tổ chức gồm những cán bộ chọn lọc trong thanh niên cứu quốc, công nhân cứu quốc, được tổ chức thành 6 trung đội, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan của Thành ủy, Xứ ủy và làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng. Đặc biệt, trong ngày Lễ Độc lập 2/9/1945, Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu được vinh dự cử 2 trung đội bảo vệ lễ đài Độc lập. Tôi cũng có mặt trong đội hình đó. Ấn tượng đến bây giờ về ngày Lễ Độc lập 2/9/1945, ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946 và kỳ họp đầu tiên của Quốc hội đến nay vẫn không hề phai.
Ngày 2/9/1945 với tôi là ngày có kỷ niệm sâu sắc. Lúc đó, tôi cũng như nhiều người khác chưa biết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến khi Bác lên lễ đài đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tiếng Bác pha âm sắc Nghệ An, thế là anh Hoàng Phương, khi đó là cấp trên của tôi, ghé vào tai tôi: “Này cậu có biết không, ông cụ là Nguyễn Ái Quốc!”. Có thể nói, trước kia chúng tôi mới chỉ biết Nguyễn Ái Quốc bôn ba đi tìm đường cứu nước, đến lúc này gặp Bác, biết rằng, Người là Nguyễn Ái Quốc, trong tôi bỗng trào dâng xúc cảm không sao diễn tả được.
Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lập Ủy ban Tuyển cử |
Các tài liệu lịch sử cho thấy, không khí tại Hà Nội vào thời điểm chuẩn bị Tổng tuyển cử tháng 1/1946 rất phức tạp. Ông và các đồng đội khi đó đã làm gì để đảm bảo an ninh?
Sau Lễ Độc lập 2/9/1945, chúng tôi được thông báo là cuộc Tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối tháng 12, nhưng sau đó được dời lại đến ngày 6/1/1946. Quân Tàu Tưởng sang ta với danh nghĩa chấp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật. Đi theo quân đội Tàu Tưởng là cả một đội quân phản động dưới danh nghĩa Việt Nam quốc dân đảng, Việt Nam cách mệnh. Chúng đòi Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải từ chức và chống lại cuộc Tổng tuyển cử. Chúng tổ chức các cuộc mít tinh biểu tình, ra báo phản động, đặt loa ở các phố lớn tuyên truyền chống Chính phủ Hồ Chí Minh và chống phá bầu cử.
Khi đó, chúng tôi đóng quân tại địa chỉ 107 phố Trần Hưng Đạo. Trước các hành vi của bọn phản động, dân chúng Thủ đô Hà Nội rất căm phẫn, đề nghị Chính phủ trừng trị bọn phản động và không để chúng lộng hành. Lúc đó, Nam bộ đã bước vào cuộc kháng chiến, đòi hỏi phải đoàn kết dân tộc. Cấp trên chỉ đạo kiên quyết trừng trị bọn phản động nhưng tuyệt đối không để xảy ra nổ súng. Cho nên ban chỉ huy đội nghĩ ra cách để các chiến sĩ mặc thường phục, vũ khí giắt trong người và đi lẫn vào các đoàn biểu tình của bọn phản động để kịp thời can thiệp, không cho bọn chúng tiến hành tuyên truyền.
Ngày 13/12/1945, chúng tôi đã giải quyết vụ một nhóm vài chục tên phản động đang tổ chức biểu tình và phân phát báo ở ngay trước cửa chợ Đồng Xuân. Ngày hôm sau, bọn phản động tiếp tục tổ chức mít tinh ở Bờ Hồ. Chúng huy động nhiều người, chiếm các toa tàu điện để tiến vào đây, phương thức vẫn là dùng loa hô hào đả đảo chính phủ và đả đảo Tổng tuyển cử. Đội chúng tôi cũng đã trấn áp và giải tán thành công. Tôi nhớ đầu phố Hàng Gai khi đó có một cửa hàng bán xe đạp, ông chủ cửa hàng đã đưa cả các tuýp làm gióng xe đạp cho người dân làm vũ khí trừng trị bọn phản động.
Ngày 20/12, bọn phản động lại tập hợp đông hơn, đi từ phố Ngũ Xã theo đường Cổ Ngư, mục đích cũng tiến ra Bờ Hồ. Lần này đội tự vệ chiến đấu tổ chức thành nhiều tốp, chặn đầu, chặn đuôi và đi cả vào giữa. Đồng bào cũng xông ra trấn áp bọn phản động. Tên cầm đầu chạy trốn, bị lực lượng của ta bắt được và cảnh cáo. Đây là cuộc biểu tình phản đối tổng tuyển cử lớn nhất của bọn phản động bị ta đập tan.
Vậy, ngày diễn ra Tổng tuyển cử, ông làm nhiệm vụ ở đâu?
Ngày 6/1/1946, có thể là ngày hội của cả nước khi lần đầu tiên cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I. Lúc đó, trung đội tôi làm nhiệm vụ ở phố Bạch Mai. Chúng tôi vừa tham gia bảo vệ, vừa đi bầu cử và tham gia vận động quần chúng đi bầu cử theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I họp kỳ đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ bên ngoài. Có khoảng 333 đại biểu được bầu nhưng đoàn đại biểu Nam Bộ không ra kịp. Một điều nữa là tại kỳ họp, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội dành cho Quốc dân đảng 70 ghế không qua bầu cử. Chúng tôi tuy bảo vệ vòng ngoài nhưng đều được thông báo về các diễn biến kỳ họp. Những sách lược và thành công của kỳ họp đã thể hiện tài thao lược vô song của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong việc đoàn kết toàn dân.
Bên cạnh niềm vui chung, tôi cũng có niềm vui riêng là được gặp lại thân sinh là cụ Lê Đỗ Kỳ, ứng cử ở quê tôi huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Kể từ khi bị Pháp bắt ở trường Bưởi trước năm 1945 rồi bị bỏ tù, sau vượt ngục và đi hoạt động thì đến hôm ấy tôi mới được gặp lại cụ. Hai bố con gặp nhau ở ngay thềm Nhà hát Lớn. Khi nghe tôi kể chuyện đi bộ đội, cụ bảo: “Cách mạng cần được bảo vệ, anh đi bộ đội, tôi ưng”. Tôi cũng báo cáo với cụ là anh và em trai tôi cũng đã vào bộ đội. Cụ nhắn chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao. Có thể nói, ngoài niềm vui chung của dân tộc, tôi còn có niềm vui là sum họp gia đình, gặp lại bố- một đại biểu Quốc hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I họp kỳ đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Có khoảng 333 đại biểu được bầu nhưng đoàn đại biểu Nam bộ không ra kịp. |