Kiểm soát chặt rác thải điện tử
Hiện nay, RTĐT đa phần được thu gom thông qua các chợ đồ cũ hay hệ thống cửa hàng sửa chữa, sau đó được đưa về một số làng nghề ở Bắc Ninh, Hưng Yên... để tháo gỡ lấy những linh kiện cần thiết; còn lại rác thải sẽ bị vứt ra đường hay các khu vực bờ sông mà không được xử lý theo đúng kỹ thuật, quy trình. Điều này, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước.
Đẩy mạnh thu gom rác thải điện tử |
Còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về các vấn đề cụ thể như: Cách gọi khoản đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường, tỷ lệ thu gom - tái chế, cách phân loại theo sản phẩm hay nhóm sản phẩm, chi phí thu hồi, xử lý, lộ trình thực hiện… Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều đồng thuận rằng, EPR sẽ là công cụ giúp nâng cao công tác quản lý rác thải nói chung và RTĐT nói riêng ở Việt Nam. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp điện, điện tử tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ không ngừng đổi mới, sáng tạo để cho ra những sản phẩm thân thiện môi trường.
Góp ý Dự thảo về EPR đối với RTĐT tại Hội thảo trực tuyến vừa được Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức, ông Lim, Boon Pin - đại diện nhóm thường trực ICT ở Việt Nam - đề nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể đối với các thành phần độc hại có trong các thiết bị điện, điện tử như chất HCFC có trong tủ lạnh cần có chính sách riêng; nên quy định thu gom theo nhóm sản phẩm thay vì quy định từng loại sản phẩm…
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam cho rằng, cần quy định rõ những doanh nghiệp có công nghệ như thế nào được phép xử lý những nhóm, loại sản phẩm nào. Bên cạnh đó, trong Dự thảo Nghị định quy định, các PRO phải có xác nhận của văn phòng EPR khó hiện thực hóa và vi phạm Luật Cạnh tranh của doanh nghiệp…
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường về EPR đối với RTĐT, bà Paramita Dasgupta - Giám đốc Tư vấn Phát triển thị trường khu vực Đông Á - Thái Bình Dương - khẳng định, quản lý hợp lý về môi trường đối với rác thải điện và điện tử hiện đang là một trong những vấn đề quan trọng và thách thức nhất đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên IFC hợp tác với cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam để soạn thảo một quy định rất quan trọng nhằm giải quyết trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc quản lý chất thải điện, điện tử. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các nhà sản xuất chuỗi cung ứng lĩnh vực điện, điện tử sẽ có những thay đổi, thích ứng và phát triển bền vững, nhằm đạt được nhiều cơ hội kinh doanh hơn trên toàn cầu nhờ tái phân bổ chuỗi giá trị cung ứng thông qua đầu tư nước ngoài.
Cơ chế EPR đang được kỳ vọng giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, trong đó có RTĐT. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung của Dự thảo Nghị định về EPR đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chưa tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp. |