Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (tỉnh Đắk Nông) sở hữu hệ thống hang động dài và độc đáo bậc nhất Đông Nam Á.
Công viên địa chất Đắk Nông (tỉnh Đắk Nông) đã được Ủy ban chương trình và quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020.
|
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại tỉnh Đắk Nông có hệ thống hang đông dài bậc nhất Đông Nam Á |
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông rộng 4.700 km2 trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, TP. Gia Nghĩa. Công viên địa chất hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Điểm nổi bật đặc biệt nhất trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Krông Nô được phát hiện từ năm 2007. Trong đó, đáng chú ý là hang C7, dạng ống, dài 1.066,5m hang động dung nham được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục đứng đầu Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Hang C3 dài 594,4m xếp thứ 2; Hang A1 dài 456,7m…
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã xác định nơi đây có hơn 100 hang động lớn nhỏ và có 5 miệng núi lửa được phát hiện gồm núi lửa Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo (Cư Jút); núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (Đắk Mil).
Một số hình ảnh hang động núi lửa trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông:
|
Hệ thống hang động núi lửa độc đáo hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ |
|
Trong hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng cho quá trình phun trào của núi lửa như các ngấn dung nham, hốc sụt. |
|
Thạch nhũ bên trong hang động |
|
Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục đứng đầu Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo |
|
Các nhà nghiên cứu khoa học đã phát hiện các di chỉ khảo cổ có người tiền sử sinh sống. |
|
Theo các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, cấu trúc của hệ thống hang động này là kết quả hoạt động của các hệ thống đứt gãy kiến tạo, hình thành kênh dẫn cho dung nham từ dưới sâu đưa lên, hình thành các thể Magma xâm nhập và phun trào bazan. |
|
Kết quả nghiên cứu bước đầu cùng với việc thu thập các di vật khảo cổ có mật độ khá dày đặc, ghi nhận đây là dấu tích văn hóa của cư dân Hậu kỳ Đá mới và Sơ kỳ kim khí có niên đại từ 6.000 đến 3.000 năm cách ngày nay. |
|
Hang động núi lửa nằm trong khu du lịch thác Đray Sáp |
Đức An