Hội Nông dân Việt Nam: Kết nối tìm thị trường cho nông sản Việt
Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), nhãn hiệu tập thể nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến |
Thực hiện CVĐ, những năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động đến từng cấp hội địa phương. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phối hợp với các đơn vị kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản thông qua việc tổ chức các hội chợ triển lãm; các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Đồng thời phối hợp với các kênh phân phối nhằm kết nối, đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các kênh phân phối này.
Đơn cử, năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức 5 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại một số huyện của tỉnh với thời gian mỗi phiên chợ là 3 ngày. Hàng hóa tại phiên chợ đa số là hàng Việt Nam như điện máy, mỹ phẩm, thực phẩm đóng hộp… Đặc biệt, tại các phiên chợ này, nhiều loại nông sản địa phương như cà phê Khe Sanh, Cao lá vằng Cam Lộ, Tiêu Cam Lộ... với giá thấp hơn giá thị trường từ 10 - 15%. Nhờ đó, các sản phẩm đã thu hút người dân không chỉ ở tại địa bàn mà cả người dân các khu vục lân cận đến mua sắm. Có những phiên chợ không đủ hàng để cung ứng cho nhu cầu mua của người dân.
Nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã đề cử 3 sản phẩm tham gia bình chọn danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu là: Khoai tây Quế Võ, măng tây xanh Lạc Vệ (Tiên Du) và máy hút bùn của huyện Gia Bình. Sau khi đạt danh hiệu, các sản phẩm này cũng được ưu tiên kết nối vào kênh phân phối trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương lân cận.
Không chỉ phối hợp với Sở Công Thương tổ chức tốt các chương trình kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội còn hỗ trợ nông dân đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Đến nay, đã có 8 sản phẩm nhãn hiệu do nông dân đứng chủ sở hữu. Trong đó có các nhãn hiệu tập thể nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến như rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) do Hội Nông dân xã Thanh Xuân làm chủ; thương hiệu gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì) do Hội Nông dân huyện làm chủ…
Đến nay, các sản phẩm này đã được đưa thành công vào hệ thống phân phối của nhiều siêu thị lớn trên địa bàn với lượng tiêu thụ vượt cả khả năng sản xuất. Sản phẩm gà đồi Ba Vì cũng đã mở được chuỗi cửa hàng riêng tại thủ đô với đặc điểm nhận dạng thương hiệu riêng, được nhiều người biết đến. Song song với việc kết nối vào kênh phân phối tại Thủ đô, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức ký kết, liên kết với 16 hội nông dân các tỉnh, thành phố như: Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định… nhằm trao đổi, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của nhau. Đến nay, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương triển khai hiệu quả nhất hoạt động kết nối cung - cầu, góp phần tạo đầu ra ổn định và quảng bá hữu hiệu sản phẩm nông sản đến người tiêu dùng.
Nhằm triển khai mạnh các nội dung của CVĐ, năm 2018 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam yêu cầu các cấp hội địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền sâu rộng về CVĐ; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm; kết nối cung - cầu hàng hóa, góp phần tìm đầu ra ổn định và bền vững cho nông sản địa phương. |