Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Hà Nội - thông điệp hòa bình
Điểm đến của hòa bình
Hà Nội được chọn là địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến diễn ra vào ngày 27 - 28/2 bởi lẽ đáp ứng được mọi yếu tố liên quan tới ngoại giao. Việt Nam có quan hệ tốt với tất cả các bên liên quan trong vấn đề trên bán đảo Triều Tiên gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Hà Nội có cơ sở vật chất tốt và từng có kinh nghiệm ngoại giao trong việc tổ chức các sự kiện cấp cao khác nhau. Ngoài ra, Hà Nội còn là thủ đô của một quốc gia trung lập, không bị tác động về tâm lý hay lịch sử, tạo thuận lợi cho không khí đàm phán.
Du khách nước ngoài có những ấn tượng tốt đẹp về Hà Nội |
Nhưng quan trọng hơn hết chính là sự an toàn và thân thiện, điều cả Mỹ và Triều Tiên rất coi trọng. Hà Nội từng được báo chí quốc tế nhắc đến rất nhiều như một nơi đặc biệt an toàn, thậm chí cho cả các chính khách. Nhiều chính khách bày tỏ ấn tượng với sự hiếu khách của người Hà Nội. Hình ảnh của Thủ tướng Australia John Howard chạy bộ buổi sáng bình dị quanh hồ Hoàn Kiếm tại Hội nghị cấp cao APEC 14 đã trở thành câu chuyện về một Hà Nội an toàn và hiếu khách. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng rất ngạc nhiên trước sự chào đón nồng nhiệt ngay khi ông đặt chân xuống sân bay Nội Bài.
Bản thân Tổng thống Donald Trump khi thăm chính thức Việt Nam hồi năm 2017 cũng có những ấn tượng rất tốt đẹp với Hà Nội. Ông đã tự mình livestream hình ảnh cầu Nhật Tân trên tài khoản cá nhân tweeter của mình, nơi có hàng triệu người theo dõi. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra gợi ý về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Viêt Nam.
Hay mới đây nhất, sau khi kết thúc các hoạt động chính thức ngày 20/2, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã đi bộ dạo phố Hà Nội và bước vào một quán cà phê vỉa hè. Tại đây, nhà lãnh đạo Argentina đã có khoảng thời gian trò chuyện vui vẻ với những người bạn của mình.
Người bạn lâu năm của Triều Tiên
Xét về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Triều Tiên, Bình Nhưỡng là một trong những người bạn lâu đời nhất của Hà Nội. Mối quan hệ này được xây đắp bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành trong quá khứ. Hai nước có những tương đồng về hệ thống chính trị và từng giúp đỡ nhau trong các cuộc chiến tranh. Việt Nam ủng hộ tư cách thành viên của Triều Tiên tại Diễn đàn Khu vực ASEAN - diễn đàn đối thoại về các vấn đề an ninh và chính trị. Ngoài ra, Việt Nam cũng ủng hộ các cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Nhật Bản.
Mới đây nhất, trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho từ ngày 29/11 - 2/12/2018, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định: Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi trọng quan hệ truyền thống với Triều Tiên, sẵn sàng cùng Triều Tiên thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và lợi ích của mỗi nước, luật pháp và trách nhiệm quốc tế, có lợi cho việc duy trì hòa bình, phát triển của khu vực. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên những kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam phù hợp với nhu cầu của Triều Tiên.
Đối tác toàn diện của Mỹ
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, tăng cường và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư đến quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, khắc phục hậu quả chiến tranh và giao lưu nhân dân.
Từ năm 2015 đến nay, hai nước đã trao đổi với nhịp độ chưa từng có các đoàn cấp cao, trong đó, có các chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5/2017), chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (tháng 5/2016) và Tổng thống Donald Trump (tháng 11/2017).
Riêng trong năm 2017, có hai chuyến thăm cấp cao, cũng là điều chưa từng có từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á đến thăm Nhà Trắng dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong khi Tổng thống Donald Trump cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên tại Đông Nam Á trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Những chuyến thăm đó đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau.
Kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên và động lực thúc đẩy quan hệ. Từ mức 500 triệu USD khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, giao thương đã tăng 100 lần đạt hơn 50 tỷ USD vào cuối năm 2017.