Thứ sáu 15/11/2024 14:26

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 35

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao hợp tác APEC 2024 với nhiều điểm sáng về tăng trưởng bao trùm, bền vững.

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Lima, ngày 14/11, tại Trung tâm Hội nghị Lima, Lima, Peru đã diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 35 (AMM 35).

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 35 (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Peru Elmer Schialer và Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch Peru Desilú León đồng chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị đã đánh giá tình hình hợp tác APEC trong năm 2024, đặc biệt là tiến độ triển khai các kế hoạch hành động hướng đến hiện thực hóa Tầm nhìn APEC 2040.

Các Bộ trưởng APEC hoan nghênh các kết quả tích cực của các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành trong năm, đặc biệt là việc thông qua 2 sáng kiến về phát triển năng lượng hydrogen sạch và chống thất thoát, lãng phí lương thực.

Hội nghị cũng đã thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác APEC về thương mại và đầu tư, đổi mới sáng tạo và số hoá, tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm và tự cường.

Các Bộ trưởng nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và các nỗ lực cải cách WTO.

Hội nghị tái khẳng định cam kết thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực tham gia các hiệp định thương mại toàn diện và chất lượng cao, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á -Thái Bình Dương (FTAAP).

Các Bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nâng cao năng lực và tham gia sâu hơn vào các thị trường toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác APEC trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, công bằng, giá cả phải chăng; triển khai hiệu quả các cam kết trong Lộ trình An ninh lương thực đến năm 2030, Lộ trình Chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU fishing) nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.

Đặc biệt, chủ đề chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang chính thức, gắn với tăng trưởng bao trùm, vì lợi ích của mọi người dân, trong đó có các thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội, nhận được quan tâm cao của Hội nghị năm nay.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả hợp tác APEC năm 2024 với nhiều điểm sáng trong thực hiện chương trình nghị sự APEC về tăng trưởng bao trùm và bền vững, trong đó có những sáng kiến nổi bật và đóng góp tích cực của Peru - nước chủ nhà APEC 2024.

Tại phiên thảo luận về "Đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế chính thức và toàn cầu", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt trong khu vực phi chính thức, tiếp cận cơ hội việc làm, tham gia phát triển kinh tế và hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế.

Từ kinh nghiệm của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu một số đề xuất đối với hợp tác của APEC trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, về quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế số, thành viên APEC tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ số trong các quy trình đăng ký kinh doanh, giám sát việc thực hiện các luật, quy định về thuế, lao động...

Thứ hai, về hỗ trợ doanh nghiệp, cần đẩy mạnh việc xây dựng môi trường thuận lợi cho các hộ kinh doanh và cá nhân tiếp cận nguồn vốn và thị trường, nhất là thông qua các nền tảng số, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính, kết nối doanh nghiệp.

Thứ ba, để hỗ trợ người lao động, nên mở rộng các chương trình dạy nghề, đào tạo kỹ năng trên nền tảng số cho lực lượng lao động, nhất là trong khu vực phi chính thức, đồng thời nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích của người lao động, qua đó khuyến khích quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức. Phát biểu của đoàn Việt Nam được các thành viên chia sẻ, đánh giá cao và được thể hiện trong các văn kiện của Hội nghị.

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 35 là hoạt động quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2024 nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị các Nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 31 sẽ diễn ra trong các ngày 15-16/11/2024.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC

Ông Nguyễn Quang Đức được điều động làm Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Tăng mức phân bổ từ nguồn thu bảo hiểm y tế để chi cho khám chữa bệnh

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Quốc vương Brunei

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Thị trưởng Lima và nhận Chìa khóa biểu tượng thành phố

Chủ tịch nước Lương Cường gặp lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu Peru

Thông điệp mạnh mẽ về niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng

Tổng Bí thư Tô Lâm: Hải Phòng phấn đấu phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica

Luật Đầu tư công (sửa đổi): Phân cấp mạnh mẽ trong quản lý đầu tư công

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ trong triển khai thực hiện Đề án 06

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Tổng Bí thư Tô Lâm tham quan tàu tuần tra, tàu chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảng Chùa Vẽ

Tổng Bí thư Tô Lâm dự hội nghị trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án tại Hải Phòng

Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện Bạch Long Vĩ, TP. Hải Phòng

Thủ tướng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Lạng Sơn

Long An quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 7,5 tỷ USD năm 2024

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Peru

Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Chủ tịch Quốc hội Peru